Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Mới tăng giá, xăng dầu lại kêu lỗ


Giá xăng A92 hiện ở mức 23.650 đồng/lít.

Nhưng do đến ngày 28/8, Bộ Tài chính mới cho tăng giá nên mức chênh lệch giá xăng dầu bán ra trong nước và giá nhập khẩu đã lên đến gần 2.000 đồng/lít. Đặc biệt là theo yêu cầu của Bộ Tài chính, giá xăng chỉ được tăng không quá 700 đồng/lít, cộng thêm 200 đồng sử dụng Quỹ bình ổn, doanh nghiệp cho rằng các mức này chưa đủ điều kiện để họ hòa vốn. Bởi sau khi được tăng giá xăng, mức chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở vẫn xấp xỉ 1.000 đồng/lít nên việc tăng giá là khó tránh khỏi nếu giá thế giới không giảm mạnh.

Tuy nhiên, trao đổi với Lao Động, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex (đơn vị chiếm khoảng 60% thị phần) lại khẳng định, việc tăng giá xăng dầu tiếp theo là chưa thể, vì theo quy định tại Nghị định 84, nếu xăng tăng giá phải tối thiểu là 10 ngày còn nếu giảm giá thì tối đa là 10 ngày. Trong những ngày qua, Petrolimex đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, nếu phát hiện cửa hàng nào găm hàng hay dừng bán với các lý do không đúng sẽ kiến nghị quản lý thị trường ra quyết định xử phạt nghiêm, nếu cần thiết sẽ tước giấy phép kinh doanh.

Xung quanh ý kiến về việc các cây xăng dừng bán hàng chờ tăng giá tiếp, ông Năm cho rằng điều đó không chuẩn xác vì có thể một số người tiêu dùng cho rằng vừa qua Bộ Tài chính cho tăng tối đa không quá 700đ/lít, nhưng mới chỉ tăng 650đ/lít và có thể sẽ tăng thêm, đây là điều không thể. Nếu giá xăng dầu trên thị trường tiếp tục tăng thì việc tăng giá xăng dầu trong nước là điều khó tránh, nhưng cũng phải theo quy định chứ không thể muốn tăng là được.

TS.Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế cho rằng, theo quy định tại Nghị định 84 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trao quyền định giá cho doanh nghiệp, nhưng không phải là Nhà nước ''buông", không quản lý giá xăng dầu. Doanh nghiệp được quyền quyết định giá nhưng chỉ được trong biên độ cho phép (7%) và mức giá tính toán phải theo nguyên tắc, căn cứ, phương pháp và công thức do Nhà nước quy định. Rồi việc điều chỉnh giá cũng bắt buộc phải tuân theo trình tự, thủ tục mà nhà nước đã đề ra và phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để giám sát, kiểm soát.

Vì vậy, "có thể nói là doanh nghiệp được quyền quyết định giá nhưng vẫn phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, không phải doanh nghiệp muốn tăng bao nhiêu thì tăng, muốn quy định giá bao nhiêu cũng được", ông Phong nhấn mạnh.

An Hạ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét