Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

Quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ: Quy mô lớn, bao phủ rộng


Theo quy hoạch
chi tiết, đến năm 2020 Bình Dương sẽ có tổng cộng 129 chợ, 24 siêu thị và đến
37 trung tâm thương mại (TTTM).

Mạng lưới chợ,
siêu thị khang trang

Hiện nay, tại Bình Dương đang có tổng
cộng 86 chợ và 10 siêu thị được đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh với tổng vốn lên
đến 250 tỷ đồng. Trong số này, chỉ khoảng 20% số chợ do xây dựng từ quá lâu nên
một số hạng mục đã xuống cấp hoặc quá tải so với nhu cầu. Số còn lại đều đã được
xây mới, đầu tư bài bản. Sự phát triển này đã phần nào giải quyết được nhu cầu
mua sắm của người dân.

 Theo quy
hoạch chi tiết, đến năm 2020 Bình Dương sẽ có tổng cộng 129 chợ, 24 siêu thị v�
đến 37 trung tâm thương mại. (Ảnh Quốc Chiến)

Đến với chợ Đình, chúng tôi thấy được
niềm vui của các tiểu thương nơi đây.
Chợ Đình được xây mới hoàn toàn với
tổng vốn đầu tư của chợ lên đến 8 tỷ đồng tạo điều kiện cho hàng trăm tiểu
thương buôn bán, phục vụ nhu cầu mua sắm các nhu yếu phẩm, thực phẩm của người
dân trên địa bàn. Chị Nguyễn Thị Minh Tuyết, tiểu thương ở chợ Đình cho biết:
"Trước đây, chúng tôi phải buôn bán
trong điều kiện hết sức khó khăn do chợ Đình cũ quá tải, che chắn tạm bợ. Nhưng
bây giờ thì tốt rồi, chợ Đình mới được xây dựng thông thoáng, lại tiện đường sá
nên người mua cũng dễ mà người bán cũng tiện".

Từ năm 2004 đến nay, thực hiện theo sự
chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Xây dựng phát triển
mới hàng loạt chợ tại Bình Dương. Có đến 64 chợ được xây mới lại hoàn toàn, đầu
tư trang thiết bị bài bản để phục vụ nhu cầu mua, bán của người dân. Việc lựa
chọn địa điểm phát triển chợ cũng phù hợp với quy hoạch chung, đồng thời bảo
đảm điều kiện theo quy định hiện hành của các ngành liên quan như: vị trí xây
dựng chợ phải nằm ngoài hành lang bảo vệ đường bộ và các quy định hiện hành của
ngành giao thông. Về thiết kế chợ, các hạng mục của công trình chợ phải bảo đảm
theo Tiêu chuẩn Việt Nam 351: 2006 về "Chợ – Tiêu chuẩn thiết kế" được ban hành
tại Quyết định số 13/2006/QĐ-BXD ngày 19-4-2006 của Bộ Xây dựng và các văn bản
có liên quan khác.

Bình Dương không chỉ có mạng lưới chợ
tốt mà hệ thống siêu thị trong vài năm trở lại đây cũng phát triển mạnh mẽ, đem
lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, TP.TDM có
4 siêu thị là Vinatext, Metro, Co.opMart, FiviMart. TX.Thuận An, Dĩ An và huyện
Bến Cát cũng đang có 5 siêu thị khác nhau cùng hoạt động. Sự có mặt của các
siêu thị góp phần thúc đẩy sức mua hàng hóa trong dân và nâng cao tiện ích cho
người dân.

Cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ,
mạng lưới chợ và siêu thị Bình Dương cũng được quy hoạch, xây mới thêm nhiều
hơn trong thời gian tới. Theo đó, kể từ năm 2012 đến năm 2020, Bình Dương sẽ có
thêm 43 chợ được xây dựng mới với tổng vốn đầu tư ước tính ban đầu lên đến
233,5 tỷ đồng. Ngoài ra, 14 siêu thị cũng sẽ được xây mới từ đầu tại các huyện,
thị. Dẫn đầu là huyện Tân Uyên với 5 siêu thị được xây mới là Tân Thành, Khánh
Bình, Thái Hòa, Quang Vinh III, Cổng Xanh. Dĩ An cũng có 3 siêu thị được xây
mới là Co.opMart An Bình, Bình An, Đông Hòa. Ngoài ra, Phú Giáo có siêu thị Tân
Hiệp, Phước Hoà còn Bến Cát có siêu thị Bàu Bàng, Dầu Tiếng có siêu thị Dầu
Tiếng… Như vậy, từ quy hoạch chung phát triển mạng lưới chợ, siêu thị và TTTM
Bình Dương đến năm 2020, có thể thấy mạng lưới siêu thị và chợ sẽ phủ kín địa
bàn tỉnh Bình Dương, hứa hẹn đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của
người dân.

Nhiều dự án TTTM lớn

TTTM dường như là điều kiện không thể
thiếu đối với việc hình thành và phát triển một đô thị Bình Dương hiện đại,
đồng bộ trong tương lai. Chính vì thế, trong quá trình phát triển kinh tế – xã
hội Bình Dương cũng không thể thiếu một mạng lưới TTTM với sự góp mặt của hàng
loạt các "ông lớn" trong và ngoài nước. Được biết, hiện nay Bình Dương đã có 7
TTTM là Becamex Tower, Bình Dương Center, Minh Sáng, Hồng Thảo, Đông Phú, An Bình,
Sóng Thần. Theo quy hoạch chung, đến năm 2020 số TTTM tại Bình Dương sẽ nâng
lên con số 37, với tổng vốn đầu tư lên đến 7.475 tỷ đồng. Trong số này, TTTM MC
Bình Dương Plaza đang hoàn tất những hạng mục cuối cùng trước khi đưa vào sử
dụng đầu năm 2013. Ngoài ra, còn có 9 TTTM khác có kế hoạch đầu tư xây mới giai
đoạn 2012-2015. Số còn lại sẽ được khởi công và thực hiện giai đoạn 2016-2020.

 Người tiêu
dùng đã quen dần mua sắm ở các TTTM

Đó là một con số quá ấn tượng mà các nh�
quy hoạch đã phác thảo, nếu không muốn nói là cực kỳ hoành tráng. Theo đó,
TP.TDM và TX.Thuận An sẽ là "mảnh đất" màu mỡ để các TTTM nở rộ. Dự kiến, đến
năm 2020 trên địa bàn TP.TDM sẽ có 8 TTTM được xây mới. Nổi bật là dự án xây
dựng Trung tâm Thông tin – Hội chợ – Triển lãm do Công ty Becamex IDC làm chủ
đầu tư với diện tích lên đến 10 ha, tổng vốn 600 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có một
loạt TTTM khác như TTTM và dân cư Phú Lợi (Công ty SX-XNK Bình Dương – Cty
Surbana Land International PTE LTD), TTTM Phú Cường (Công ty Thanh Lễ), TTTM Đông
Đô (Công ty Becamex IDC), TTTM Bạch Đằng (Công ty Biconsi), TTTM Phú Mỹ (Công
ty TNHH TVXD Phúc Cường).

Tuy nhiên, TX.Thuận An mới chính là nơi
mà các dự án TTTM ào ạt đổ vào đầu tư nhiều nhất với 9 TTTM sẽ được xây mới
trong giai đoạn 2012-2020. Dự án gây chú ý nhất chính là TTTM Lotte (Công ty
TNHH TTTM Lotte) với tổng vốn dự kiến lên đến 730 tỷ đồng, hoàn thành vào năm
2015. Ngoài ra, các TTTM Việt Sing (Công ty Becamex IDC – 200 tỷ đồng), TTTM
The Canary (Công ty TNHH GuocoLand Việt Nam – 200 tỷ đồng), TTTM The
Contentment (Công ty Cổ phần BĐS Trường Phong – 200 tỷ đồng)… đều là những dự
án lớn. Khi các hạng mục đầu tư cuối cùng hoàn thành, hứa hẹn sẽ là những TTTM
hoành tráng.

Có thể nói, song song với quá trình phát
triển kinh tế – xã hội của địa phương, Bình Dương là một trong những tỉnh đi
đầu trong việc phát triển hạ tầng chợ, siêu thị, TTTM. Đây được xem là những
bước đi vững chắc để tự do hóa thương mại, đưa hàng hóa, tiện ích đến tay người
tiêu dùng, góp phần nâng cao tỷ trọng các ngành dịch vụ, thương mại trong cơ
cấu kinh tế ngành của tỉnh.

KHÁNH VINH



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét