Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Vũ khí tối tân bảo vệ Hội nghị APEC


Nga triển khai nhiều "hàng khủng" bảo đảm an ninh cho Hội nghị APEC, vốn được cho là nằm trong chiến lược lâu dài của nước này ở Viễn Đông. 

Ngày 2.9, Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 24 bắt đầu tại thành phố Vladivostok thuộc Viễn Đông của Nga bằng cuộc họp quan chức cấp cao của các nước thành viên. Cuộc họp kéo dài 2 ngày nhằm xác định những vấn đề sẽ được bàn sâu trong các sự kiện chính từ ngày 7.9. Theo TTXVN, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự sự kiện lần này.  

Huy động tên lửa, máy bay

Vũ khí tối tân bảo vệ Hội nghị APEC 
Nga triển khai tên lửa S-400 bảo vệ Hội nghị APEC – Ảnh: Defense-update.com

Để tăng cường an ninh tối đa cho hội nghị, Nga đã tiến hành hơn 20 cuộc huấn luyện và chống khủng bố từ tháng 8.2011. Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời giới chức Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố: "Lực lượng vũ trang sẽ bảo vệ hội nghị bằng cách triển khai các đơn vị thuộc Quân khu Miền Đông, lực lượng chống máy bay dùng hệ thống tên lửa phòng không S-400, các chiến đấu cơ Su-27SM, Su-30 và MiG-3 cùng tàu chiến và tàu ngầm". S-400 đã được triển khai tới thành phố Nakhodka, gần Vladivostok. Đây là hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới của Nga có thể đánh chặn cùng lúc nhiều rốc-két ở bất kỳ độ cao nào và sẽ thay thế hoàn toàn hệ thống S-300 của Nga hiện nay trong vài năm tới. Trong trường hợp cần thiết, các phi đội sẽ nhận lệnh khẩn cấp và có thể cất cánh trong vòng một phút, theo Đài tiếng nói nước Nga. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng triển khai nhiều tàu chiến hiện đại tuần tra liên tục vùng biển ngoài khơi Vladivostok.

Ngoài ra, khoảng 10.000 cảnh sát và hàng ngàn nhân viên bảo vệ đang tham gia đảm bảo an ninh cho hội nghị. Hãng tin Interfax dẫn lời giới chức Bộ Nội vụ cho hay các tòa nhà, sân bay, nhà ga được lắp đặt hệ thống kiểm soát an ninh hiện đại, bao gồm thiết bị phát hiện bom, kim loại, máy quét…  

 

Nóng bỏng chuyện tranh chấp

APEC năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền trong khu vực đang căng thẳng và dư luận rất quan tâm đến những cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo các bên liên quan. Theo Kyodo News, Nhật và Trung Quốc đang sắp xếp cuộc gặp giữa Thủ tướng Yoshihiko Noda và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào giữa lúc tranh cãi dâng cao về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngày 2.9, một nhóm chuyên gia Nhật đã tiến hành khảo sát 3 hòn đảo trong khu vực này nhưng Trung Quốc chưa có phản ứng. Ngoài ra, ông Hồ Cẩm Đào có thể sẽ thảo luận với Tổng thống Philippines Benigno Aquino III về vấn đề biển Đông. Trong khi đó, có thể cuộc gặp giữa Thủ tướng Noda và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak sẽ không diễn ra do căng thẳng xung quanh nhóm đảo Dokdo/Takeshima.

Minh Trung

Chiến lược lâu dài

Tờ The Moscow News dẫn lời chuyên gia Andrey Volodin tin rằng Hội nghị APEC lần này là cơ hội lớn giúp Nga mở rộng quan hệ kinh tế với các nước châu Á – Thái Bình Dương sau khi nước này vừa chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ngoài ra, việc chọn Vladivostok làm nơi tổ chức hội nghị nằm trong chiến lược phát triển cho cả vùng Viễn Đông của Nga, và nước này đã chi ngân sách khổng lồ đẩy mạnh cơ sở hạ tầng cho thành phố. Viễn Đông là khu vực giàu tài nguyên nhưng khá trì trệ và thưa thớt dân cư, dẫn đến nguy cơ về chính trị lẫn an ninh. Tình trạng người ngoại quốc tràn ngập khu vực này đã khiến Thủ tướng Dmitry Medvedev mới đây phải lên tiếng báo động, theo Đài tiếng nói nước Nga. "Nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ Viễn Đông trước sự bành trướng quá đáng của các nước láng giềng", Thủ tướng Nga nhấn mạnh trong một cuộc họp nội các hồi tháng 8. Ông Medvedev không đề cập cụ thể nước nào nhưng từ lâu đã có nhiều quan ngại về sự xuất hiện ngày càng nhiều của người Trung Quốc tại Siberia và Viễn Đông. Thủ tướng Nga khẳng định chính quyền sẽ ngăn chặn tình trạng người nước ngoài "lập nên các khu vực riêng" trong lãnh thổ nước này. Theo chuyên gia Volodin, một trong những biện pháp bảo đảm an ninh và chủ quyền, cũng như khai thác tiềm năng ở Viễn Đông là phải phát triển cơ sở hạ tầng, đưa nơi đây thành một vùng thịnh vượng về kinh tế, thu hút người dân và Hội nghị APEC được kỳ vọng là một cú hích cho khu vực.

Bên cạnh đó, giới quan sát còn cho rằng việc Nga điều tên lửa S-400 đến Viễn Đông không chỉ để bảo vệ Hội nghị APEC mà còn nhằm phục vụ chiến lược an ninh lâu dài ở Viễn Đông. Cụ thể là nhằm bảo vệ nhóm đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía bắc đang tranh chấp với Nhật và dè chừng Trung Quốc, nước có đường biên giới trải dài và còn tranh cãi với Nga.

Văn Khoa

Nga sẽ bán tên lửa S-400 cho Trung Quốc
Quân khu miền đông Nga nhận tên lửa S-400
Nga sắp triển khai tên lửa S-400 ở Kaliningrad



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét