Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Châu Thới Sơn Tự


AT – Khi di chuyển trên quốc lộ 1K đoạn từ Bình Dương xuống Biên Hòa, tôi trông thấy một tượng Phật Quan Âm cao 22,5m, nặng hơn 100 tấn được đặt trên một ngọn núi giữa muôn ngàn cây cối xanh tươi. Hỏi ra mới biết đây là Châu Thới Sơn Tự, hay còn gọi là chùa Núi Châu Thới, một địa danh nổi tiếng đã được xếp hạng Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia.

Chùa Châu Thới thu hút rất đông du khách tham quan

Chùa Núi Châu Thới (cao 82m) thuộc phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Vì được xây dựng trên ngọn núi Châu Thới nên chùa có tên chùa Núi Châu Thới. Chính vị trí và cảnh quan của núi đã làm tôn thêm vẻ đẹp uy nghi khoáng đãng hiếm có của chùa. Tương truyền chùa được dựng từ năm 1662 trên nền cũ của một thảo am. Lúc bấy giờ sư Khánh Long – người lập chùa – đặt tên "Hội Sơn Tự". Sau vài đời trụ trì đổi thành Châu Thới Sơn Tự như ngày nay.

Ngôi chùa này rất thu hút khách thập phương bởi nằm kế cận những khu dân cư đông đúc giữa các tỉnh thành: Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM. Vị trí vô cùng thuận tiện cho việc tham quan, du lịch, vì gần các khu vui chơi nghỉ mát khác như chùa Tam Bảo, suối Lồ Ồ, núi Bửu Long (Biên Hòa). Cổng chùa bằng đá dưới chân núi có đề tên chùa bằng chữ Hán "Châu Thới Sơn Tự". Du khách bước lên 220 bậc thềm sẽ đến cổng tam quan có ba mái cong và bánh xe pháp luân nằm ở giữa đỉnh, hai bên cửa có mấy chữ "Từ bi – Hỉ xả".

Chùa gồm có nhiều pho tượng Phật, Quán Thế Âm lớn được đúc bằng đồng hoặc đá cẩm thạch. Đặc biệt ở đây còn lưu giữ ba pho tượng Phật bằng đá cổ và một tượng Quan Âm bằng gỗ mít (lấy từ cây mít được trồng ở chùa hơn 100 năm). Đỉnh mái chùa có chín con rồng lớn nhìn ra nhiều hướng với những nét điêu khắc sinh động. Ngoài ra ở đây còn có các tác phẩm làm từ gốm sứ như: Tứ linh, Thủ quyền và tượng Đức Phật. Điều đó cho chúng ta thấy nghề gốm ở đây phát triển từ rất sớm.

Tượng phật Thích Ca Mâu Ni trên bức tường chùa

Nét nổi bật về trang trí kiến trúc của chùa là dùng nhiều mảnh gốm sứ màu sắc gắn kết đắp thành hình con rồng dài hơn cả mét đặt ở đầu đao của mái chùa. Ngoài việc có niên đại hình thành khá sớm, chùa còn có nhiều giá trị đặc sắc về cấu trúc cũng như về nghệ thuật thao tác tạo hình như đúc, nung, điêu khắc, chạm trổ qua các tranh tượng vật dụng bằng đồng, gỗ, đất nung… Điểm nhấn của chùa là tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát ngự trên đài hoa sen, tay cầm dương liễu vẩy nước cam lồ trong bình thanh tịnh để rưới tắt những tham hận, sân si trong lòng chúng sanh. Khu đất ở chùa được xếp là một trong 26 di tích khảo cổ học (thuộc thời kỳ kim khí) ở TP.HCM. Các nhà khảo cổ học đã tìm được rìu đá, đục đá, nhiều mảnh gốm… có niên đại khoảng 4.000 năm.

Dù xây dựng với phương tiện, vật liệu hiện đại, chùa vẫn giữ được kiến trúc cổ kính, hài hòa phù hợp cảnh quan u nhã, thoát phàm. Quả vậy, giữa thinh không tĩnh mịch, làn gió trong lành hòa quyện với âm hưởng tiếng chuông ngân nga vang vọng, ta bỗng thấy hồn lâng lâng, trút bỏ mọi muộn phiền. Nếu thích, du khách cũng có thể tới lầu chuông gõ thử ba tiếng để cầu mong sự may mắn, thanh thoát trong tâm hồn.

Thêm một nét thú vị nữa chính là trong chùa có rất nhiều khỉ. Những chú khỉ này nhanh thoăn thoắt và thường ăn trái cây của chùa cũng như bánh trái du khách đem cho. Đứng ở chùa, chúng ta dễ dàng ngắm nhìn thành phố thu nhỏ từ trên cao. Nhiều du khách còn mang ống nhòm để được nhìn cận cảnh những dãy nhà cao tầng xen lẫn với cây lá xanh um, tốt tươi. Ngoài phong cảnh hữu tình, giá trị mỹ thuật và hiện vật cổ quý giá, chùa còn là di tích anh hùng, nơi từng lưu dấu nhà cách mạng lão thành – luật sư Huỳnh Tấn Phát, là cơ sở nuôi chứa cán bộ hoạt động bí mật qua các thời kỳ kháng chiến.

Chính là nơi tụ hội linh khí của đất trời nên vào ngày mùng 1 và ngày rằm, nhất là dịp lễ tết, du khách từ khắp nơi tụ về rất đông để thắp hương, cúng bái cầu an, cầu siêu cho gia đình. Nhiều bạn trẻ hiện đang học tập tại các trường thuộc khu Đại học Quốc gia (thuộc làng đại học Thủ Đức) cũng thường xuyên đến chùa thưởng ngoạn.

PHẠM THỊ HỒNG(
ĐHKHXHNV TP.HCM)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét