Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Quy định mới về đào tạo liên thông: Thu hẹp ước mơ vào đại học


Đã khó…

Sau mỗi kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ, lại có hàng trăm ngàn thí sinh
không bước chân được vào ĐH. Chính đào tạo liên thông đã tạo ra hướng mở cho học
sinh "rộng đường" đi, giảm áp lực đầu vào ở các trường ĐH mà còn là giải pháp
giúp các em có nhiều cơ hội để thực hiện ước mơ vào ĐH của mình. Thế nhưng, việc
triển khai chương trình đào tạo liên thông hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn,
vướng mắc.

   HS thi TN THPT năm
2012 tại hội đồng thi trường THPT Trịnh Hoài Đức, Thuận An

Năm nay, sau khi một số trường ĐH công bố điểm thi tuyển
sinh năm 2012, những thí sinh có tổng số điểm thấp, không hy vọng đậu ở nguyện
vọng 1, nguyện vọng 2, đã chuyển hướng vào các trường CĐ, TCCN. Điều mà thí
sinh quan tâm nhất là các ngành học TC, CĐ ở các trường có thể liên thông lên
ĐH. Những năm qua, đào tạo liên thông đã "mở rộng" đường vào ĐH cho các học
sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Không vào được ĐH, các em có thể học nghề, học
TCCN nhưng vẫn có cơ hội học tập lên cao hơn.

Gần đây, các trường ĐH, CĐ, TC ở Bình Dương như: ĐH Thủ Dầu
Một, ĐH Bình Dương, ĐH Kinh tế – Kỹ Thuật Bình Dương… khi mở mã ngành đều chú
trọng làm sao có thể liên thông bậc học cao hơn. Trường ĐH Kinh tế – Kỹ thuật
Bình Dương mở liên thông từ TC lên ĐH cho 3 ngành, từ CĐ lên ĐH cho 5 ngành;
trường ĐH Bình Dương đào tạo liên thông từ TCCN lên ĐH với 3 ngành đào tạo v�
liên thông từ CĐ lên ĐH với 4 ngành đào tạo; trường ĐH Thủ Dầu Một cũng mở liên
thông 6 ngành…

Các chuyên ngành đào tạo liên thông đáp ứng nhu cầu xã hội
ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc triển khai đào tạo liên thông tại các trường
đang gặp không ít khó khăn. Mấy năm gần đây, các lớp liên thông rất khó tuyển
sinh. Theo nhiều nhà quản lý giáo dục ở Bình Dương, nguyên nhân dẫn đến tuyển
sinh liên thông của các trường gặp khó khăn là vì còn vướng nhiều quy định của
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

Nay lại khó hơn

Mới đây, quy định mới về đào tạo liên thông mà Bộ GD-ĐT vừa
đưa ra yêu cầu người tốt nghiệp TC nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng nếu
muốn học liên thông lên CĐ, ĐH sẽ phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu
theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh
CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hàng năm. Với đối tượng dự thi liên thông
CĐ, ĐH đã có bằng tốt nghiệp TC nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ từ 3 năm (36 tháng) trở
lên sẽ dự thi 3 môn (môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành, hoặc thực
hành nghề) do cơ sở giáo dục ĐH tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển. Sinh
viên liên thông hệ chính quy sẽ học chung, thi hết môn và thi tốt nghiệp hoặc bảo
vệ luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp cùng với sinh viên hệ chính quy.

Trong khi đó, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp TC, CĐ đều
có nguyện vọng tiếp tục học lên cao hơn nhưng với quy định mới này con đường
vào ĐH của các em đang bị thu hẹp lại. Em Huỳnh Minh Tâm, sinh viên hệ CĐ trường
ĐH Kinh tế- Kỹ thuật cho biết: "Muốn học liên thông thì phải thi kỳ thi ĐH. Vậy
kiến thức 3 năm học CĐ đó của em để làm gì? Nếu thi như ĐH thì em lại phải đi
ôn luyện như học sinh phổ thông. Nhưng sau 3 năm có được việc làm ổn định, em rất
khó có cơ hội quay lại trường để tiếp tục học liên thông. Bên cạnh đó, nếu gián
đoạn một thời gian khá dài mới được tiếp tục thì kiến thức của em cũng sẽ bị
gián đoạn, ít nhiều ảnh hưởng đến việc học".

Em Trần Thị Thu Trang, sinh viên hệ CĐ của trường ĐH Thủ Dầu
Một cũng lo lắng nói: Khi biết được có quy định mới này, em thật sự rất hoang
mang. Học CĐ ra rất khó xin việc, mà đã xin được việc rồi thì liệu có thể có thời
gian học tiếp lên ĐH được nữa không? Từ khi vào học ngành này đến giờ, em luôn
xác định mình phải học liên thông lên ĐH nên bây giờ dù bộ có quy định mới như
vậy thì em cũng phải cố mà theo thôi.

Đã nhiều năm trôi qua, kể từ khi Luật Giáo dục quy định
chương trình giáo dục phải bảo đảm tính liên thông, chuyển đổi giữa các trình độ
đào tạo, ngành đào tạo và hình thức giáo dục trong hệ thống giáo dục đào tạo của
Việt Nam, nhưng những học viên các trường TCCN, CĐ vẫn còn gặp rất nhiều khó
khăn trên con đường học liên thông lên bậc ĐH. Và với quy định mới về đào tạo
liên thông vừa được ban hành thì việc "hiện thực hóa" ước mơ vào ĐH của nhiều học
sinh, sinh viên đang dần bị thắt chặt hơn bao giờ hết.

NGỌC THANH

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét