Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Sau ly hôn lại tiếp tục có con!


Trong thực tế, phần lớn các trường hợp cha mẹ từ chối việc chăm sóc, nuôi dưỡng; đặc biệt là cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn là vì họ cho rằng người đó không phải là con của họ. Ghi nhận từ Tòa án Nhân dân Tối cao, thực tiễn xét xử vẫn còn có nhận thức chưa thống nhất đối với các quy định, mà trước hết phải kể đến đó là việc xác định cha cho con.

Vụ việc thứ nhất

Chị Nguyễn Thị Vân và anh Trần Đức Hoàn kết hôn với nhau vào năm 2002, đến năm 2004, chị Vân sinh con đầu lòng là một bé gái. Do cuộc sống của vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên đến tháng 5-2008 chị Vân nộp đơn khởi kiện đến Tòa án (TA) Nhân dân huyện yêu cầu giải quyết việc ly hôn. Sau nhiều lần hòa giải không thành, đến ngày 20-8- 2008, TA đã mở phiên tòa xét xử cho chị Vân được ly hôn anh Hoàn. Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật kể từ ngày 21-9-2008.

Tưởng chừng chị Vân sẽ không phải đến TA lần nữa nếu như không có sự "tranh chấp" về mặt pháp lý nảy sinh. Cụ thể đó là, vào ngày 5-2-2009, chị Vân lại sinh thêm một cháu trai. Khi chị Vân đến UBND xã để đăng ký khai sinh cho con, thì UBND xã không chấp nhận việc ghi tên anh Hoàn là cha của cháu bé trong giấy khai sinh, vì cho rằng chị Vân sinh con sau khi đã ly hôn chồng nên không có cơ sở để xác định anh Hoàn là cha của cháu bé. Để có cơ sở cho việc khai sinh, UBND xã yêu cầu chị Vân phải cung cấp bản án, quyết định của TA về việc xác định anh Hoàn là cha của cháu bé thì mới chấp nhận ghi tên anh Hoàn là cha của cháu bé vào giấy khai sinh.

Khi chị Vân nộp đơn yêu cầu TA huyện giải quyết xác định anh Hoàn là cha của cháu bé, thì TA cương quyết không nhận đơn vì cho rằng: không thuộc thẩm quyền giải quyết của TA, mà cơ quan đăng ký hộ tịch phải thực hiện việc đăng ký khai sinh và ghi tên anh Hoàn là cha của cháu bé; vì theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình thì trong trường hợp này cháu bé đương nhiên được xác định là con của anh Hoàn.

Vụ việc thứ hai

Anh Hoàng Văn Thành kết hôn với chị Lê Thị Liên vào năm 1999, đến năm 2002 thì chị Liên sinh được một cháu trai (tên Danh). Do anh Thành nghi ngờ chị Liên không chung thủy nên giữa vợ chồng họ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Đến đầu năm 2007, anh Thành làm đơn khởi kiện đến TA yêu cầu giải quyết việc ly hôn. Quá trình giải quyết tại TA chị Liên cũng đồng ý ly hôn và hai người đã thỏa thuận được với nhau về phân chia tài sản và việc nuôi con (chị Liên trực tiếp nuôi cháu Danh, anh Thành đóng góp cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 200.000 đồng). Trên cơ sở thỏa thuận của các đương sự, ngày 10-5-2007, TA thành phố đã ban hành quyết định công nhận việc thuận tình ly hôn giữa anh Thành và chị Liên (quyết định có hiệu lực pháp luật vào ngày ban hành).

Đến ngày 15-11-2007, chị Liên sinh thêm một bé gái (được đặt tên Nguyên). Sau khi sinh con chị Liên đã làm thủ tục khai sinh cho con tại UBND phường nơi chị cư trú, phần tên cha trong giấy khai sinh của cháu Nguyên đã ghi tên anh Thành. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mức tiền anh Thành đóng góp cấp dưỡng nuôi con không còn phù hợp nên chị Liên yêu cầu anh Thành tăng mức đóng góp cấp dưỡng nuôi cháu Danh; đồng thời góp thêm tiền để nuôi cả đứa con thứ hai là cháu Nguyên nhưng anh Thành không chấp nhận mà cho rằng: Nguyên không phải là con của anh.

Đến tháng 10-2009, chị Liên làm đơn khởi kiện yêu cầu TA huyện QT buộc anh Thành phải cấp dưỡng nuôi cháu Nguyên. Sau khi xem xét đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, lãnh đạo TA huyện QT cho rằng chị Liên sinh cháu Nguyên sau khi đã ly hôn, nên muốn có cơ sở buộc anh Thành cấp dưỡng nuôi con thì chị Liên phải làm đơn yêu cầu TA giải quyết việc xác định anh Thành là cha của cháu Nguyên trước, sau đó mới có quyền khởi kiện yêu cầu giải quyết việc buộc anh Thành đóng góp cấp dưỡng nuôi cháu Nguyên.

Luật có quy định, nhưng làm sao… tin được!

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp có nhận thức và xử lý trái ngược nhau trước một dạng tình huống pháp lý giống nhau. Trong vụ việc thứ nhất, cơ quan hộ tịch còn dè dặt, không dám ghi tên anh Hoàn vào giấy khai sinh của con mà phải chờ sự xác định của TA, trong khi đó thì TA lại quả quyết là không cần thiết. Ngược lại, ở vụ việc thứ hai trong khi cơ quan hộ tịch đã xác định anh Thành là cha của cháu Nguyên bằng việc đăng ký khai sinh, thì TA lại buộc đương sự phải yêu cầu TA thực hiện việc xác định cha cho con mới giải quyết việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con.

Như vậy, với những tình huống giống nhau nhưng đã có các cách hành xử khác nhau. Thực tế hiện nay, với tình huống nêu trên đã có rất nhiều cán bộ TA khẳng định là: nhất thiết phải qua thủ tục TA xác định cha cho con. Những người theo quan điểm này cho rằng, do người vợ sinh con sau khi đã ly hôn chồng và vì thế trong bản án, quyết định giải quyết việc ly hôn không đề cập, không xác định là con của ai. Chính vì vậy, để có cơ sở cho việc đăng ký khai sinh hoặc quyết định việc chăm sóc, cấp dưỡng nuôi con thì người mẹ phải yêu cầu TA xác định cha cho con.

Tại Điều 63 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 đã quy định: "1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng… 2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được TA xác định…". Để xác định trường hợp nào thì được coi là người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân, tại Điều 21 của Nghị định số 70/2001/ NĐ-CP ngày 3-10-2001 của Chính phủ đã quy định cụ thể là: "Con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của TA xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật, thì được xác định là con chung của hai người".

Như vậy, cho dù con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hay sinh ra sau thời kỳ hôn nhân nhưng do người vợ có thai trong thời kỳ đó đều đương nhiên được xác định là con chung của vợ chồng. Tuy nhiên sự phân vân của cán bộ TA xem ra cũng có cái lý: làm sao biết được sự thật ai là cha ruột của đứa bé?

                                                                                                                             NGUYỆT MINH



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét