Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Thanh niên nông thôn: Phát triển kinh tế bằng tư duy mới


 Tiếp cận nguồn vốn

Năm 2005, khi quyết định chăn nuôi gia súc, gia cầm, Nguyễn
Thị Cẩm Nhung (ấp An Mỹ, xã An Sơn, TX.Thuận An) đã được Huyện đoàn Thuận An hướng
dẫn vay 8 triệu đồng thông qua sổ tiết kiệm vay vốn của tổ chức Đoàn thanh
niên. Từ số tiền vay được cộng thêm số vốn tự có, chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng
chuồng trại và bắt đầu nuôi những lứa heo đầu tiên. Sau 2 năm, chị trả hết nợ
và tiếp tục xoay vòng vốn, vay thêm 20 triệu đồng để xây thêm chuồng trại, tăng
thêm số lượng đàn heo, nuôi thêm gà tam hoàng.

   Mô hình mở trang trại
chăn nuôi được nhiều thanh niên chọn để phát triển kinh tế. Trong ảnh: Trại heo
của chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung

Trong quá trình chăm sóc đàn gia súc, gia cầm, chị còn được
Đoàn, Hội hướng dẫn theo học các lớp khuyến nông, nhờ vậy chị càng tích lũy nhiều
kinh nghiệm để áp dụng vào việc chăn nuôi. Số lượng vật nuôi ngày một tăng lên,
kinh tế gia đình ngày một khấm khá. Đến nay số lượng gà tam hoàng trong trại đã
lên tới 1.000 con, heo thịt 50 con, đem lại nguồn thu nhập trên 35 triệu đồng/
năm. Ngoài ra chị còn thành lập 2 tổ chăn nuôi, vận động được 15 đoàn viên tham
gia, góp phần tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong ấp có nghề
nghiệp ổn định.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, Phạm Minh Tuấn (SN
1984, thị trấn Uyên Hưng, Tân Uyên) tốt nghiệp cao đẳng và quyết lập nghiệp với
việc đầu tư vào hoa lan. Năm 2008 sau khi tham gia lớp tập huấn trồng hoa lan
do Đoàn thị trấn tổ chức, Tuấn đã vay 10 triệu đồng mua gần 500 chậu lan. Sau 3
năm, Tuấn trở thành triệu phú lan với thu nhập gần 300 triệu đồng/ năm. Thanh
niên địa phương và các vùng lân cận tìm đến học hỏi kinh nghiệm, Tuấn thành lập
tổ hợp tác để chia sẻ, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Tuấn cho biết: "Mình vừa
huy động anh em cùng đi cạo mủ cao su cho một thành viên trong tổ. Đồng thời
cũng chuẩn bị mở rộng vườn với khoảng 2.000 chậu lan, mọi người sẽ cùng xoắn
tay vào giúp nhau phát triển kinh tế". Không chỉ anh Tuấn, rất nhiều trường hợp
thanh niên nông thôn làm giàu từ nhiều mô hình khác nhau. Điểm nổi bật ở họ l�
dám nghĩ, dám làm, gắn bó với địa phương, chịu khó lao động…

Theo số liệu thống kê của Ban Thanh niên nông thôn Tỉnh
đoàn, trong năm 2012 Tỉnh đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hướng
dẫn rất nhiều ĐVTN vay vốn phát triển sản xuất với số tiền 482 triệu đồng. Mô
hình thanh niên giúp nhau làm kinh tế gia đình với hình thức hỗ trợ cây con giống,
phân bón ngày càng được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập cho gia đình ĐVTN.

Hướng nghiệp

Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn vốn, năm qua Đoàn cũng đã thực hiện
nhiều hình thức hỗ trợ thanh niên đa dạng như: Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ
thuật trong sản xuất, thành lập các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm, tổ chức các lớp tập
huấn phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng đơn vị như: Huyện đoàn Dầu Tiếng
tổ chức 5 lớp chăn nuôi thú y, kỹ thuật chăm sóc và cạo mủ cao su. Thị đoàn Dĩ
An phối hợp mở 2 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 150 cán bộ Đoàn chủ
chốt. Huyện đoàn Phú Giáo phối hợp cùng Trạm khuyến nông triển khai 2 điểm
trình diễn khoa học kỹ thuật cho thanh niên với diện tích 2,5 ha cao su tại xã
Tam Lập. Huyện đoàn Tân Uyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các
lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ hiện đại áp dụng trong sản xuất
nông nghiệp như kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cao su, phong lan, bưởi, kỹ thuật
nuôi ếch, rắn, bồ câu, gà thả vườn cho hơn 420 lượt ĐVTN…

Anh Phạm Hồng Thắng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: "Những
năm gần đây, xu hướng làm kinh tế của thanh niên nông thôn trong tỉnh đã có những
đổi mới trong tư duy, các bạn đã biết lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với
nhu cầu thị trường và khả năng của bản thân để đầu tư, hiện tượng làm theo
phong trào như trước đây đã không còn. Thay vào đó thanh niên đã biết nắm bắt
khoa học kỹ thuật và thành lập các mô hình kinh tế hiệu quả như: trồng rau an
toàn, rau mầm, cây kiểng cùng với việc nuôi các loại đặc sản như cá sấu, rắn,
cá cảnh…".

Có thể nói các chương trình hỗ trợ của tổ chức Đoàn giúp cho
thanh niên khởi nghiệp đã và đang đem lại hiệu quả cao. Nhiều bạn đã bứt ra khỏi
lối tư duy cũ kỹ, mạnh dạn đầu tư vốn, chất xám để sản xuất kinh doanh, có ý
chí làm giàu, góp phần từng bước đưa nông thôn Bình Dương phát triển.

KIM TRƯƠNG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét