Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo đảm an toàn giao thông


Trong những năm qua,
Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành
nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, chức năng, các tổ chức xã hội triển
khai quyết liệt các biện pháp tuyên truyền pháp luật về giao thông và trật tự
an toàn giao thông (TTATGT) nhằm nâng cao ý thức cho người dân, phát huy mạnh mẽ
phong trào toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT. Đối với lực lượng công an, nhiều
chuyên đề tuyên truyền đã được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đồng bộ, tập
trung vào các nội dung: nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao
thông; đội mũ bảo hiểm cho trẻ em; an toàn đò ngang và quy tắc đường thủy; bên
cạnh đó, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, nhắc nhở, xử lý nghiêm vi phạm
về TTATGT. Ủy ban MTTQ các cấp ở địa phương đã lồng ghép phong trào toàn dân
tham gia bảo đảm TTATGT với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống
văn hóa ở khu dân cư" để vận động đến toàn thể nhân dân tích cực tham gia bảo đảm
TTATGT. Các tổ chức đoàn thể vận động hội viên, đoàn viên gương mẫu trong thực
hiện ATGT và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia giữ gìn ATGT, xây dựng văn
hóa giao thông. Đặc biệt Hội LHPN tỉnh đã có nhiều sáng kiến trong tuyên truyền,
vận động chị em phụ nữ đội mũ bảo hiểm đúng quy cách khi tham gia giao thông,
phổ biến pháp luật về ATGT cho hội viên, phụ nữ gắn với tiêu chí "Xây dựng nếp
sống văn hóa", nhằm nâng cao chất lượng và hiện quả cho hội viên phụ nữ và người
thân trong gia đình, khu phố dần xóa bỏ những thói quen tùy tiện vi phạm quy tắc
giao thông, có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và cộng đồng. Công tác
tuyên truyền của Hội LHPN tỉnh được triển khai rất đa dạng, phong phú, dễ hiểu
và được nhấn mạnh vào đối tượng là chị em phụ nữ.

   Lực lượng CSGT trên
đường làm nhiệm vụ

Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng đã tập trung nhiều biện pháp
đẩy mạnh công tác tuyên truyền TTATGT vào những thời điểm nhạy cảm như: lễ, tết,
tháng cao điểm ATGT… Hàng năm, Công an tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các
kế hoạch chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền
các xã, phường, thị trấn, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, trường học để tuyên
truyền hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), đồng thời nắm lại kết quả
công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở cơ sở trong việc thực hiện phong trào toàn dân
tham gia giữ gìn TTATGT, kết quả thực hiện quy định kiểm điểm giáo dục người có
hành vi vi phạm TTATGT, việc thực hiện Chỉ thị 22-CT/ TW ngày 24-2-2003 của Ban
Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với
công tác bảo đảm TTATGT". Đồng thời huy động sức mạnh của hệ thống chính trị,
thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ về công tác bảo đảm
TTATGT, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân
dân, bảo đảm cho nhân dân đi lại an toàn, thuận tiện góp phần phát triển kinh tế
- xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh với những biện pháp phòng ngừa kiềm chế
và làm giảm tai nạn giao thông (TNGT), cụ thể như: Tổ chức tuyên truyền sâu rộng,
nói chuyện trực tiếp về Luật GTĐB, văn hóa giao thông tại địa bàn cơ sở cho các
đối tượng là học sinh, sinh viên, thanh niên, cán bộ công nhân viên chức, đội
ngũ lái xe; sử dụng triệt để biện pháp tuyên truyền bằng hình ảnh trực quan
như: Trưng bày pa-nô, ảnh về hậu quả các vụ TNGT do người tham gia giao thông lạm
dụng rượu, bia, vi phạm tốc độ, tránh vượt sai quy định, phát phim phóng sự về
ATGT… để người tham gia giao thông tự nhận thức và nhìn thấy rõ nguyên nhân, hậu
quả của TNGT, tự có ý thức bảo vệ mình, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành
Luật GTĐB vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng. Thông qua đó, các cấp ủy Đảng,
chính quyền cơ sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trường học đã tăng cường các
biện pháp giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông cho các đối tượng
thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của mình. Đi liền đó là lực lượng Cảnh sát
giao thông đã thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc thông báo vi phạm về nơi
cư trú; vận động các trường hợp vi phạm khi đến xử lý đều phải có bản cam kết
không tái phạm, có xác nhận của cơ quan, đơn vị, trường học đối với cán bộ công
nhân viên, học sinh, sinh viên; đối với các đối tượng khác xin xác nhận của địa
phương nơi cư trú để làm căn cứ gửi thông báo vi phạm và để kiểm điểm giáo dục
theo quy chế của các cơ quan đơn vị, xã, phường, trường học đã đề ra.

Có thể khẳng định, nhờ làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền,
đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT những năm qua tình hình
TTATGT trên địa bàn tỉnh đã được chuyển biến tích cực, rõ nét, điều đó được chứng
minh bằng con số cụ thể về tình hình TNGT trên địa bàn năm 2012 đã giảm cả 3
tiêu chí: số vụ giảm 8,4%, số người chết giảm 8,1%, số người bị thương giảm 12%
so với năm trước. Thời gian tới, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được qua việc
đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT, Bình Dương cần tiếp tục đẩy
mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến toàn thể nhân dân tích cực tham gia bảo
đảm TTATGT, đặc biệt hưởng ứng Chương trình quốc gia "thập kỷ ATGT" và năm triển
khai "không uống rượu, bia khi tham gia giao thông"; các tổ chức đoàn thể vận động
hội viên, đoàn viên gương mẫu trong thực hiện ATGT và vận động các tầng lớp
nhân dân tham gia giữ gìn ATGT và xây dựng văn hóa giao thông. Xây dựng các mô
hình điểm về bảo đảm TTATGT, mô hình tổ chức tự quản trật tự đô thị, TTATGT ở
các địa bàn khu phố, khu dân cư. Ủy ban MTTQ và Ban ATGT các cấp cần tiếp tục
phối hợp chặt chẽ, đề xuất các giải pháp phù hợp, sát với thực tiễn để thực hiện
hiệu quả nghị quyết của Chính phủ; tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện
thông tin đại chúng, kịp thời khen thưởng biểu dương những cá nhân, tập thể
gương mẫu trong thực hiện ATGT… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người
và tài sản cho nhân dân, bảo đảm cho nhân dân đi lại an toàn, thuận tiện, góp
phần bảo đảm an toàn xã hội, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.

 THẢO NGUYÊN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét