Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên: Xây dựng nông thôn mới từ nội lực kinh tế trang trại


 Khác với nhiều xã
nông thôn khác, Hiếu Liêm có sự đa dạng trong các loại hình KTTT. Trên địa bàn
xã Hiếu Liêm hiện có 30 trang trại (TT), bao gồm 4 TT chăn nuôi, 26 TT trồng
cây lâu năm và cây ăn trái. Hầu hết các mô hình KTTT tại Hiếu Liêm đều đang
phát triển ổn định, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Một trong những mô hình
KTTT mang lại hiệu quả cao tại Hiếu Liêm là trồng cây ăn trái đặc sản có giá trị
cao như bưởi, cam, quýt… Theo tính toán của các chủ TT, mỗi ha trồng cây ăn
trái có thể mang lại nguồn thu nhập từ 300 -350 triệu đồng/ năm. Các chủ TT
tiêu biểu của Hiếu Liêm hiện nay là Sáu Xê, Ba Thắm, Phạm Thế Hoàng, Trần Thành
Có… Với sự nhanh nhạy, cần cù chịu khó, các chủ TT này đang tạo ra những mô
hình kinh tế đạt hiệu quả cao, góp phần thay đổi bộ mặt Hiếu Liêm. Để có thể đạt
được các hiệu quả cao, các chủ TT tại đây đều có sự đầu tư mạnh về vốn và ứng dụng
triệt để các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như quy trình sản xuất
theo hướng VietGAP, chăn nuôi trại lạnh an toàn dịch bệnh…

   Tại ấp Chánh Hưng, xã
Hiếu Liêm hiện có nhiều TT trồng bưởi da xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, cho biết
100% các TT trồng cây ăn trái trên địa bàn xã đều sử dụng hệ thống tưới phun tự
động, sử dụng bạt phủ để xử lý cho ra trái nghịch vụ, sử dụng phân bón sinh học
và xử lý thuốc một cách hợp
lý. "Chúng tôi không quá lo lắng về đầu ra cho nông sản tại các TT vì lâu nay sản
phẩm làm ra bao nhiêu đều tiêu thụ hết bấy nhiêu. Để các TT tiếp tục phát triển,
thời gian qua, chính quyền địa phương đã đầu tư nhiều hạng mục về điện, giao
thông nông thôn, thủy lợi phục vụ sản xuất. Chính quyền xã Hiếu Liêm đang tiến
hành thực hiện dự án xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ bơm tưới cho vùng
chuyên canh trồng cây ăn trái ở ấp Chánh Hưng với gần 300 ha cây ăn trái của
cánh đồng giá trị cao. Bên cạnh đó, chúng tôi còn triển khai thực hiện dự án trồng
bưởi da xanh theo hướng VietGAP trên địa bàn ấp Chánh Hưng với tổng diện tích
là 37 ha. Trong đó chăm sóc, cải tạo là 10 ha và trồng mới là 23 ha, 7 ha đang
xây dựng. Việc thực hiện dự án này đang mở ra hướng mới và cần thiết để các sản
phẩm nông nghiệp của Hiếu Liêm tiếp tục vươn xa", ông Nguyễn Thanh Lâm nói.

Đứng ở góc độ xây dựng NTM, KTTT phát triển sẽ góp phần hoàn
thành nhiều chỉ tiêu quan trọng như lao động, hợp tác làm ăn, xây dựng cơ sở hạ
tầng nông thôn… Hiện tại, nhiều TT đang giải quyết tốt việc làm cho lao động tại
địa phương với thu nhập cao; hợp tác cùng nhau trong chuyện làm ăn. Đây chính
là cơ sở để hình thành các HTX kiểu mới khi thực hiện xây dựng NTM và là nguồn
lực có thể vận động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn Hiếu Liêm trong
thời gian tới. Ông Nguyễn Thanh Lâm, cho biết thêm, để có thể tiếp tục thúc đẩy
KTTT phát triển, trong thời gian tới chúng tôi sẽ chú trọng đầu tư các hạng mục
về điện, giao thông nông thôn phục vụ sản xuất của các TT; tiếp tục thực hiện
công tác tập huấn sản xuất cho nông dân, thành lập tổ hợp tác trồng cây ăn
trái, nhân rộng các mô hình VietGAP trong các hộ dân và thực hiện xây dựng
thương hiệu, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp của Hiếu Liêm.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lâm Thành Thắm, một chủ TT trồng cam, quýt tại ấp
Chánh Hưng, cho biết địa phương đã xây dựng hệ thống đường giao thông nông
thôn, hệ thống điện và hệ thống thủy lợi nhằm tạo điều kiện cho TT phát triển.
Do vậy, chúng tôi cũng dành nhiều ít thành quả từ KTTT để giúp địa phương thực
hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Tuy nhiên, điểm yếu trong sản xuất của KTTT tại Hiếu Liêm hiện
nay chính là chưa chú trọng nhiều đến vấn đề sơ chế, bảo quản sau thu hoạch nên
sản phẩm chưa đạt giá trị cao như mong muốn. Do vậy, việc xây dựng một HTX thu
mua và tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân tại Hiếu Liêm là việc cần sớm xúc
tiến trong thời gian tới. Nếu làm được việc này, xem như Hiếu Liêm đã hoàn
thành thêm được 1 tiêu chí về xây dựng NTM.

Đ.BÌNH



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét