Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Dang rộng vòng tay với thanh niên lầm lỡ


Bỏ lại quá khứ của những năm tháng làm bạn với ma túy, những
học viên (HV) ở Trung tâm Giáo dục lao động – Tạo việc làm tỉnh (TT), ấp Gia
Biện, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo đang từng ngày rèn luyện, cần mẫn lao động để
làm lại cuộc đời. 

Các học viên đang cuốn linh kiện điện tử cho Công ty TNHH
Đông Phương nhằm tăng thêm thu nhập

BỎ LẠI QUÁ KHỨ

Những HV cai nghiện, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng
cùng chung một nghị lực sớm làm lại cuộc đời bởi đa số họ còn rất trẻ. Gặp
chúng tôi, HV Trần Thị Kim Hằng (SN 1985, ngụ Bình Phước) cho biết: "Ngày còn
học cấp 3 chỉ vì ham vui cùng bạn bè mà Hằng đã vướng vào con đường chích hút
nên phải bỏ học giữa chừng. Gia đình biết được đã động viên từ bỏ ma túy rồi
tạo điều kiện cho lấy chồng. Nhưng cuộc sống gia đình không hạnh phúc lại chán
nản, tiếp tục la cà với bạn bè và dính lại ma túy vào đầu năm 2011. Những ngày
đầu vào TT, Hằng vẫn chưa thoát khỏi ám ảnh của thứ "đồ chơi" ấy nhưng được sự
giúp đỡ, chăm sóc và tình thương yêu của các thầy, cô tại TT, Hằng dần dần lấy
lại được niềm tin và hứa sau khi ra trại sẽ cố gắng tìm cho mình một công việc
thích hợp để làm lại cuộc đời".

Trần Kim Hùng (SN 1992, ngụ TP.TDM) nhớ lại những ngày tháng
đang ngồi trên ghế giảng đường trường ĐH Mở TP.HCM: "Ba mẹ mất sớm, để lại cho
em ngôi nhà ở TP.HCM, để có tiền ăn học em đã cho thuê nhà và cố gắng học thật
tốt, vậy mà vì những phút buồn chán, thiếu thốn tình cảm đã làm em không thể
vượt qua, rồi cùng bạn bè tụ tập ăn chơi và dính vào ma túy khi đang học năm 4
ngành quản trị kinh doanh… Sau 8 tháng vào đây ngẫm nghĩ lại, thấy mình đã
đánh mất đi những tháng ngày đẹp nhất của thời sinh viên, nếu không dính vào ma
túy thì có lẽ bây giờ…". Nói đến đây Hùng dừng lại và chúng tôi biết rằng, cũng
như bao bạn bè cùng khóa, Hùng đang muốn nói đến một công việc sau khi ra
trường…

Đây chỉ là hai trường hợp mà chúng tôi trò chuyện, còn nhiều
hoàn cảnh khác nữa, ở ngoài đời họ đã từng gây ra bao nhiêu lỗi lầm, tụ tập bạn
bè lêu lổng, quậy phá khắp nơi, hút chích thả cửa… Giờ đây, về chung một mái
nhà, họ cảm nhận được tình yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập
và lao động. Trong tiếng cười nói rôm rã, với ý chí mới họ càng hăng say lao
động hơn.

HƯỚNG THIỆN

Anh Phạm Văn Tuyên, Giám đốc TT cho biết: "Để tạo cho HV
những thói quen trong cuộc sống và quên đi cơn nghiện, TT đã tổ chức nhiều hình
thức lao động phù hợp với sức khỏe của từng người như: vệ sinh nơi ở, trồng rau
xanh cải thiện đời sống hàng ngày, cuốn linh kiện điện tử, cạo lụa hạt điều…
Qua đó đã có nhiều HV không chỉ cắt được cơn nghiện mà còn lao động rất hăng
say. Ngoài ra TT còn có tủ sách thư viện với trên 300 đầu sách và cứ 3 tháng sẽ
được thay đổi một lần với những nội dung phong phú, lành mạnh giúp HV thư
giãn".

Song song với công việc giúp HV cắt cơn, cán bộ TT còn giúp
đỡ trị liệu, dạy chữ, dạy nghề để họ biết yêu lao động, thường xuyên vận động
các nguồn tài trợ để chăm lo cho HV, người sau cai nghiện có hoàn cảnh khó
khăn, người cơ nhỡ không có gia đình thăm gặp. Hiện tại, TT quản lý gần 700 HV,
có 23 nữ, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Làm công tác tư tưởng, quản lý HV,
tuyên truyền giáo dục, chị Lê Thị Xuân không nhớ mình đã giúp đỡ, giáo dục bao
nhiêu chị em lầm đường lạc lối để họ trở về với xã hội, hòa nhập cộng đồng. Chị
chia sẻ: "Cách giáo dục của mình là đi sâu vào tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của
từng HV, cố gắng tìm mọi cách, giúp đỡ họ vượt qua những mặc cảm, tuyệt vọng.
Gần gũi, hỏi han khi thấy các HV dao động tư tưởng. Nhờ vậy, HV đã hiểu ra cái
được, cái mất và quyết tâm làm lại cuộc đời".

Chúng tôi ra về khi nắng chiều đã tắt, từng nhóm HV lại về
nơi nghỉ ngơi của mình, tiếng cười nói xôn xao. Chúng tôi hiểu rằng, bỏ lại
đằng sau quá khứ của một thời lầm lỡ, họ đang từng ngày cố gắng học tập, rèn
luyện để viết lại những trang cuộc đời của mình trong một môi trường thân
thiện, đầy ắp tình thương.

KIM TRƯƠNG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét