Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Bình Dương: Vùng đất nhiều kỳ tích


Nếu ai có dịp trở lại Bình Dương trong những ngày tháng 8 này đều hết sức ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của tỉnh nhà. Ngỡ ngàng không phải vì Bình Dương xa lạ, mà ngỡ ngàng bởi sự diệu kỳ của chuyện xưa – chuyện nay. Xưa, Bình Dương đã làm nên những kỳ tích gì ở địa đầu tuyến lửa, khiến quân thù bạt vía với những trang sử oai hùng. Nay, Bình Dương tiếp tục lập nên kỳ tích khi từ một tỉnh thuần nông vươn lên trở thành địa phương có công nghiệp phát triển mạnh mẽ và đóng góp nhiều cho ngân sách quốc gia…

   Kinh tế phát triển, góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị Bình Dương. Trong ảnh: Một con đường khang trang tại Thành phố mới Bình Dương hôm nay

Một bức tranh hoàn hảo

Trong quá trình phát triển kinh tế, Bình Dương lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá mà hạt nhân làm đòn bẩy của nền tảng đó chính là các khu công nghiệp (KCN). Nhờ huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN mà đến nay toàn tỉnh đã có 28 KCN tập trung với tổng diện tích 9.095 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 592 ha, được phân bố rộng rãi, đều khắp tại nhiều huyện, thị, thành phố của tỉnh; 26 KCN trong số đó hiện đã đi vào hoạt động. Nhìn vào bức tranh công nghiệp hiện nay của tỉnh nhà, dễ dàng nhận thấy những dấu son. Một trong những dấu son đó là Bình Dương đã thu hút được 15.145 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đến đầu tư vốn làm ăn, trong đó có 2.087 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 17,5 tỷ USD; 12.856 DN trong nước với tổng vốn điều lệ đăng ký là 98.856 tỷ đồng (khoảng 4,8 tỷ USD) và 202 dự án của DN trong nước được cấp chứng nhận đầu tư với vốn đăng ký 48.058 tỷ đồng (khoảng 2,4 tỷ USD).

 "Trong những năm qua, Bình Dương luôn quan tâm đầu tư phát triển mạnh và đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội; cung ứng ngày càng tốt hơn các dịch vụ để phục vụ tốt nhất cho hoạt động thu hút đầu tư và sản xuất, kinh doanh của DN, chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến đầu tư và làm ăn sinh sống tại Bình Dương. Từ đầu năm 2012 đến nay, Bình Dương đã thu hút được nhiều dự án đầu tư mới và nhiều dự án bổ sung, tăng vốn đầu tư của DN trong nước và nước ngoài. Đây là những dự án hết sức quan trọng góp phần phát triển kinh tế – xã hội của Bình Dương trong thời gian tới".

(Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung)

Kinh tế Bình Dương phát triển nhanh đã tạo tiếng vang đến bạn bè quốc tế. Dưới góc nhìn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, Bình Dương có môi trường đầu tư lý tưởng, đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư, nên được ưu tiên lựa chọn. Chính vì vậy, các dự án đầu tư vào Bình Dương không chỉ tăng về lượng mà còn vượt về chất với nhiều dự án lớn và có tầm, như: Dự án sản xuất vỏ xe của Tập đoàn Kumho Asiana có tổng vốn đầu tư 360 triệu USD, dự án sản xuất bao bì cao cấp của Tập đoàn SCG Siam Cement đầu tư giai đoạn một 140 triệu USD, dự án Khu đô thị sinh thái Mỹ Phước do SP.Setia Berhad (Malaysia) và Becamex IDC hợp tác đầu tư với vốn 620 triệu USD, dự án nhà máy sản xuất nước giải khát của Kirin Việt Nam có vốn 60 triệu USD…

Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2012, Bình Dương đã thu hút thêm 69 dự án FDI đầu tư mới và khuyến khích 72 dự án FDI tăng vốn đầu tư với tổng số vốn là 2,350 tỷ USD, cùng 6 dự án đầu tư trong nước được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn 4.071 tỷ đồng (gần 200 triệu USD). Nổi bật trong số đó là các dự án có hàm lượng công nghệ cao hoặc có số vốn đầu tư lớn, như: Dự án đầu tư lĩnh vực thương mại – dịch vụ của Tập đoàn Aeon Nhật Bản với vốn đăng ký 95 triệu USD, dự án của Tập đoàn DNP đầu tư sản xuất các loại tấm film ghép tổng hợp với tổng vốn đầu tư giai đoạn một là 35 triệu USD, dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương (Tokyu Binh Duong Garden City) do Tập đoàn Tokyu đầu tư với tổng vốn hơn 1,2 tỷ USD…

Đi lên nhờ ý Đảng hợp lòng dân

Có về Bình Dương hôm nay, những người con xa xứ mới cảm nhận hết sự phát triển vượt bậc của kinh tế – xã hội tỉnh nhà. Chỉ nhìn vào hệ thống điện, đường, trường, trạm bề thế, khang trang là đủ cảm nhận được sự đổi thay, cảm nhận được sức sống mãnh liệt của một tỉnh công nghiệp đang trên đường bứt phá. Kinh tế phát triển nhanh đã tác động lớn, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt cơ sở hạ tầng, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, đem lại cuộc sống sung túc hơn cho người dân… Nhìn vào bức tranh kinh tế – xã hội của Bình Dương hôm nay, bất cứ ai là con em Bình Dương cũng đều có quyền tự hào. Tự hào là vì xuất phát điểm của Bình Dương thấp, thậm chí rất thấp từ một tỉnh thuần nông, nhưng với tinh thần và ý chí, người dân Bình Dương đã tự bước đi trên đôi chân vững chãi, làm thay đổi cơ cấu kinh tế một tỉnh nông nghiệp sang công nghiệp đóng vai trò chủ đạo với tỷ trọng chiếm hơn 60% trong GDP và nhiều chỉ tiêu có mức tăng trưởng rất nhanh. Cụ thể, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế đã tăng từ 45,5% năm 1996 lên 62,2% hiện nay; mức thu ngân sách từ 817 tỷ đồng năm 1997 lên gần 23.000 tỷ đồng hiện nay. Bên cạnh đó, nhờ kinh tế phát triển mà những con số như GDP, thu nhập đầu người… của Bình Dương năm sau luôn cao hơn năm trước và luôn cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước.

   Công nghiệp là nền tảng để đột phá phát triển kinh tế. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại một DN có vốn FDI

Để làm nên sự thành công đó, giữa chính quyền và nhân dân luôn có sự đồng thuận cao và gặp nhau ở mục tiêu chung vì dân giàu, nước mạnh. Dân đồng thuận nhưng phải có sự nỗ lực to lớn của lãnh đạo chính quyền địa phương mới phát huy tối đa các yếu tố thiên thời, địa lợi để kinh tế Bình Dương tăng trưởng mạnh mẽ. Với ý chí phấn đấu không ngừng vươn lên, lãnh đạo tỉnh nhà thế hệ đi sau tiếp nối thế hệ đi trước đã huy động được sức mạnh tổng hợp từ các tầng lớp nhân dân, phát huy được lợi thế so sánh của địa phương về vị trí địa lý để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra. Điều đáng trân trọng là trong quá trình phát triển đó, nhân dân Bình Dương đã biết nhìn xa trông rộng, chung tay góp sức vì lợi ích tỉnh nhà, đồng thuận giao đất để thực hiện quy hoạch nhằm tạo nên hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông, góp phần làm nên bức tranh kinh tế tỉnh nhà hoàn hảo như hôm nay.

Nhìn hiện tại để hướng đến tương lai, nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế năm 2012 và những năm tiếp theo, la nh đạo Bình Dương đang tiếp tục đề ra các giải pháp, như: Đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn vốn đầu tư… để tiếp tục phát triển. Với sự chuẩn bị chu đáo này của lãnh đạo tỉnh, sự đồng thuận hưởng ứng của nhân dân, chắc chắn thời gian tới kinh tế Bình Dương còn phát triển mạnh mẽ hơn, tiếp tục làm nên những kỳ tích mới.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét