Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Trung: Sống cho xứng đáng với truyền thống gia đình


Sinh
ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng (CM) nên từ nhỏ, dì Nguyễn Thị
Trung (tên thật là Thái Thị Bạc) ở phường An Thạnh (TX.Thuận An) đã ý thức được
việc mình phải làm cho CM, cho đồng bào. Mặc dù khi ấy, bản thân dì chưa hiểu
được hết hai từ "cách mạng" nghĩa là gì? Dì chỉ biết mình rải truyền đơn, phá
ấp chiến lược, gỡ trái… là những việc mình sẽ làm được và làm tốt.

Mẹ
tôi – Cơ sở trung kiên của CM

Trong hai cuộc kháng chiến chống
Pháp và Mỹ, cả 6 chị em của dì Nguyễn Thị Trung đều tham gia CM. Trong đó, 5
người đã hy sinh; dì là người duy nhất còn sống sót.

 
Nguyễn Thị Trung (người cầm micro) đang kể về kỷ niệm khó quên trong những năm
tháng bị tù đày, tra tấn của kẻ thù

Dì Nguyễn Thị Trung nhớ mãi về hình
ảnh mẹ mình – Mẹ Việt Nam anh hùng Quách Thị Lương Truyền vào cái ngày dì được
mẹ gửi cho CM. Dì kể, hôm tiễn tôi đi, mẹ dẫn tôi đến cái chòi hoang ngoài vùng
chiến lược. Gặp đồng chí cán bộ xã, mẹ tôi nói: "Đây, mẹ còn đứa út này. Mẹ
định để nó lại giúp việc nhà khi các anh nó vắng. Nhưng thôi, mẹ mong các con
nhận và thay mẹ dạy dỗ nó nên người".

Trong cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp, 3 anh, chị lớn của dì đã theo CM. Khi ấy, 2 anh trai lớn mới 12, 13
tuổi đã trở thành những chú giao liên thông minh, gan dạ; đã bao lần cứu nguy
cho cán bộ lãnh đạo thoát khỏi vòng vây của địch. Sau này, 2 anh trở thành
những chiến sĩ biệt động kiên cường trong đội biệt động quân khu. Một anh bị
địch bắt đày ra Côn Đảo, một anh hy sinh khi vừa tròn 18 tuổi.

Đầu năm 1960, phong trào Đồng Khởi
nổi lên, mẹ lại tiếp tục khăn gói đưa những đứa con trai còn lại lên đường làm
nhiệm vụ. Ở An Thạnh không tên giặc nào không biết đến mẹ. Nhiều lần chúng bắt,
tra tấn dã man để tìm hầm giấu cán bộ và cơ sở mật tại địa phương. Thế nhưng
bao nhiêu lần bắt là bấy nhiêu lần chúng thất vọng vì mẹ vẫn hiên ngang trước
kẻ thù.

Dì Nguyễn Thị Trung tự hào nói: Một
điều nghịch lý khó tin là bản thân mẹ tôi luôn chịu cảnh đói nghèo thiếu thốn
nhưng luôn có sẵn tiền mua quần áo, thuốc men khi các con cần. Không ngại nguy
hiểm, đã bao lần mẹ tôi lãnh xác các đồng chí của mình về chôn cất. Và mỗi lần
như thế mẹ tôi gầy guộc hẳn đi. Mẹ cắn răng khóc thầm thương nhớ như nhớ những
đứa con ruột thịt của mình.

Khí thế tổng tiến công Mậu Thân hừng
hực lửa, mẹ Truyền và các con vào trận. Từng đoàn chiến sĩ rầm rập tiến vào Sài
Gòn. Mẹ Truyền tất bật đủ việc. Hết dẫn đường, tiếp tế lương thực, đến chuyển
vũ khí, tiếp nhận thương binh đưa về tuyến sau… Và cũng chính đợt này, người
con trai còn lại duy nhất của mẹ Truyền cũng đã hy sinh. Vài tháng sau đó,
người con gái Út (tức dì Nguyễn Thị Trung) cũng bị kẻ thù bắt đày đi Côn Đảo.
Từ đó, bọn giặc tin rằng "Bà già Việt cộng" trước sau gì cũng phải đầu hàng. Vả
lại chúng cũng chẳng cần để ý đến người đàn bà nghèo khổ lầm lũi một mình trong
căn nhà dột nát. Nhưng bọn chúng đã lầm, trước sự mất mát to lớn ấy, ý chí của
mẹ Truyền càng mãnh liệt hơn, quyết sống chết với kẻ thù. Mẹ Truyền tiếp tục
hoạt động mặc dù nhiều lần nếm trải đủ mùi tra tấn. Mẹ Truyền vẫn luôn là cơ sở
vững vàng, trung kiên của Đảng.

Những
năm tháng tù đày khó quên

Dì Nguyễn Thị Trung nhớ lại, năm
1962, dì tham gia CM khi vừa tròn 15 tuổi. Dì được phân công phụ trách tự vệ
mật. Nhiệm vụ của dì khi ấy là làm công tác binh vận, rải truyền đơn, phá ấp
chiến lược, gỡ trái, nắm tình hình địch… "Hồi đó tôi là học sinh. Cái tuổi 15
ăn chưa no, lo chưa tới, tôi đâu hiểu thế nào là CM, là yêu nước. Tôi chỉ đi
theo truyền thống của gia đình bởi cả gia đình tôi đều theo CM. Đặc biệt mẹ tôi
đều khuyến khích con cái theo CM".

Đến năm 1963, dì Trung thoát ly theo
CM và được phân công về làm ở Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương; Năm 1964 được điều
về làm thư ký Khu ủy miền Đông đặt ở Cát Tiên (Đồng Nai); Năm 1968, dì được
phân công về làm Phó Bí thư Chi bộ xã An Thạnh. Và ngày 22-6-1969 là ngày định
mệnh, dì đã bị bắt trên đường đi công tác. Từ đó, chúng đã giải dì đi khắp các
nhà tù từ Khám đường Bình Dương, Thủ Đức, Gò Công… và cuối cùng là Côn Đảo.
Trong thời gian tù đày, dì cũng như bao chị em tù chính trị khác đều bị tra tấn
dã man. Nhưng dù hoàn cảnh nào, dì cùng đồng đội cũng chống đối quyết liệt,
chống ly khai, chào cờ…

 "Ngày giải phóng, được tự do rồi mà tôi còn
không tin đó là sự thật. Tôi nói với chị bạn chung phòng: Mày nhéo tao một cái
coi có đau không? Bởi thật sự khi bị bắt, tôi cứ nghĩ mình sẽ chết trong tù" -
dì Nguyễn Thị Trung cười cho biết.

Hậu quả chiến tranh để lại với dì
Trung không chỉ là những trận đòn roi, đói khát nơi địa ngục trần gian mà còn
là nỗi đau về tinh thần. Ảnh hưởng của chất độc hóa học, ảnh hưởng của một lần
mang thai nhưng bị địch rượt đuổi đến hư thai… khiến dì Nguyễn Thị Trung mãi
mãi không thể có con, mất đi thiên chức làm mẹ. Dù vậy, dì may mắn có niềm an
ủi khác để bù đắp – đó là những đứa cháu. Dì Trung tâm sự: "Tôi có đến 4 người
anh là liệt sĩ. Sau ngày giải phóng, họ để lại cho tôi tới 8 đứa cháu. Hiện
giờ, điều mừng nhất là các cháu tôi đều có cuộc sống ổn định, tôi coi đây như
là niềm an ủi của riêng mình".

Chiến tranh đã qua đi, những tàn
khốc của nhà tù Thủ Đức, Tân Hiệp, Chí Hòa, Côn Đảo… đã lùi vào quá khứ.
Nhưng ký ức về những lần đấu tranh tuyệt thực, biểu tình, về những lần chia tay
đầm đìa máu và nước mắt thì dì Nguyễn Thị Trung, cũng như bao nhiêu người nữ tù
khác không bao giờ quên.

THU
THẢO



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét