Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Champasak ký sự: Saphaikang mời gọi!


Bản Saphaikang, theo lời giới thiệu của cán bộ địa phương có lịch sử cả ngàn năm trước. Saphaikang, một làng quê trù phú bên bờ sông Mê-kông vẫn còn đậm nét văn hóa truyền thống của nhân dân các bộ tộc Lào. Một cuộc sống "trên bờ dệt vải, dưới sông nuôi cá" thật thanh bình!

Champasak ký sự: Ấn tượng Pakse

Champasak ký sự: Ngược dòng Mê-kông

Thủ phủ ngành dệt

Ngày thứ 3 trên nước bạn Lào, đoàn chúng tôi từ Pakse ngược lên phía Bắc chừng 12km ghé thăm Saphaikang. Cùng đi với đoàn có anh Khamsi và Phon, cán bộ Sở Ngoại vụ Champasak làm phiên dịch. Hai anh để lại trong chúng tôi những ấn tượng tốt đẹp về sự nhiệt tình, mến khách. Bản Saphaikang thuộc huyện Somban, có 715 hộ, dân số hơn 2.600 người. Tiếp chúng tôi tại một căn nhà gỗ rộng hơn 300m2, gian chính của nhà được trải bằng những tấm lụa thổ cẩm rất đẹp, thể hiện sự trọng thị đối với du khách. Phon cho biết, đây là căn nhà truyền thống của bản. Vào các dịp lễ, tết hoặc tiếp khách quý người dân đều tụ họp về đây. Bước vào nhà, mỗi chúng tôi đều được tặng mỗi chiếc khăn gọi là phebieng quàng chéo lên người. Khăn được dệt bằng thổ cẩm, có nhiều hoa văn. Trong trang phục của dân Lào chiếc khăn là vật tô điểm thêm cho bộ váy rực rỡ của họ, cũng giống như người Nam bộ ở Việt Nam, luôn có chiếc khăn rằn trên vai. Khăn được tặng cho du khách còn có ý nghĩa chúc may mắn, mạnh khỏe.


 Đoàn tham quan các sản phẩm dệt truyền thống 
Saphaikang nổi tiếng bởi ngành dệt truyền thống. Là nơi sản xuất váy ống hay còn gọi là Sin nhiều nhất ở Lào ngày nay. Nơi đây trở thành một trung tâm buôn bán váy áo và hàng dệt trong khu vực. Nhiều ngôi làng lân cận gửi các sản phẩm dệt của họ đến Saphaikang rồi nhờ người dân trong bản bán lại tại chợ Talatsao, hay còn gọi là chợ Sáng ở Viêng Chăn hoặc tiêu thụ ra nước ngoài. Cách làm này ở Việt Nam hay gọi là "mượn nhờ thương hiệu". Điều này chứng tỏ nghề dệt ở Saphaikang rất phát triển và có uy tín. Nhờ đó, đời sống người dân khá sung túc, thu nhập bình quân đạt 1.500 USD/người/năm. Giữa trung tâm bản Saphaikang có ngôi đền Vatsaphaikang cổ kính từng được trùng tu lần gần đây nhất là vào năm 1938. Đây là ngôi đền linh thiêng nhất trong khu vực, là đền thờ đầu tiên tổ chức tất cả các lễ hội tôn giáo trong làng. Trong đền có hòn đá thiêng Pathat từ thời Vatphou. Người ta tin rằng, ai tôn kính hòn đá sẽ gặp nhiều may mắn; những ai tỏ lòng bất kính hay phá phách hòn đá sẽ lâm bệnh, tai ương. Cạnh bên ngôi đền là căn nhà truyền thống đặc trưng Nam Lào, được xây dựng theo kiểu mái đôi cách đây khoảng 150 năm, chủ nhân đầu tiên là Pautao Jume – một chủ đồn điền cà phê.


 Đền Vatphou ngàn năm tuổi
Dạo quanh bản Saphaikang, chúng tôi cảm thấy rất thú vị. Những căn nhà sàn bằng gỗ cao ráo, rất đẹp và sạch sẽ, cây xanh rợp bóng, gió từ sông

Mê-kông thổi lồng lộng! Có thể nói, bản Saphaikang là một mô hình dân cư sống bằng nghề thủ công – nông nghiệp truyền thống tiêu biểu. Nhà nhà dệt vải, cả bản dệt vải. Cá được nuôi tại ngay bờ Mê-kông. Đến với nước Lào, du khách đừng quên thưởng thức món cá nướng tươi rói và thơm lừng nơi đây.

Đắm say cùng điệu lâm-vông

Tạm biệt Saphaikang sau khi chúng tôi cùng làm lễ để người dân buộc chỉ tay chúc may mắn, đoàn chúng tôi không quên mua một ít thổ cẩm khoác lên người và tiếp tục hành trình đến thăm một di sản văn hóa thế giới – đền Vatphou. Vatphou cách Pakse 40km về phía Nam. Đường đi phải qua một cây cầu dài 1.380m bắc qua sông Mê-kông khá đẹp. Từ Vatphou đi khoảng 30km nữa đến tỉnh Ubonrat Chatanni (Thái Lan). Tại đây có siêu thị bán hàng miễn thuế nghe có vẻ náo nhiệt nhưng giá hàng hóa cao ngất ngưởng. Một thành viên trong đoàn đã mua một chiếc đồng hồ nhìn rất "hoành tráng" nhưng về khách sạn xem kỹ hóa ra là hàng… Trung Quốc. Vậy là mất toi 600.000 đồng tiền Việt. Tiếc!


 Điệu lâm-vông
Vatphou từ thế kỷ IX-XIII được xem là một đền thiêng liêng nhất của vương triều vua Yá Sovar man I. Vatphou còn được gọi là chùa núi vì nằm dưới ngọn núi thiêng Phoukao (núi Voi). Theo các nhà sử học, đây là ngôi đền xưa nhất ở Lào, từng là trung tâm của đạo Hindu thờ thần Shiva. Đến thế kỷ XIII, Vatphou trở thành đền thờ phật và tồn tại cho đến ngày nay, trở thành một trong những nơi lưu giữ các giá trị lịch sử về văn hóa Lào. Ngay cổng vào đền có bảo tàng trưng bày hơn 100 bức tượng đá, phù điêu, họa tiết, trang trí, chạm khắc trên đá đẹp tuyệt vời. Cổng chính và mặt trước đền hiện nay đã đổ nát nhưng vẫn còn rõ nét dấu ấn những bức phù điêu chạm hình các vị thần Ấn Độ giáo. Các công trình kiến trúc ở đây đều bằng đá. Khu đền thượng nằm lưng chừng núi, đường lên cũng là những bậc cấp lát đá. Ngôi đền là một khối kiến trúc được xếp bằng những tảng đá lớn, chạm trổ hoa văn cầu kỳ, tinh xảo, phía sau đền là vách núi, trên đó những người thợ tài hoa xưa đã tạc những bức tượng lớn nhỏ sống động. Vatphou trầm tích, từ trên cao nhìn xuống thiên nhiên hùng vĩ. Trước ngôi đền có 2 hồ lớn, nước trong veo quanh năm. Thật ngạc nhiên, ai nói trên núi không có hồ!

Rời Vatphou chúng tôi về Pakse lúc hoàng hôn buông xuống. Đêm cuối cùng ở nước bạn thật ý nghĩa. Buổi tiệc chia tay do đồng chí Boun Thong Divixay, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Champasak chủ trì đã đọng lại trong mỗi chúng tôi nhiều cảm xúc. Những bài hát thắm tình Việt – Lào vang lên nghe sao quá gần gũi, như cùng một quê hương, một đất nước. …anh ở bên Đông, em ở bên Tây, uống chung dòng nước sông

Mê-kông… hai đứa nghe chung tiếng gà gáy sớm… tình Việt – Lào anh em, tình Việt – Lào anh em… Lời ca vang lên nhịp nhàng theo điệu lâm-vông đắm say. Các cô gái Lào trong những bộ váy hoa văn rực rỡ, màu đỏ thêu đôi rắn quấn vào nhau thể hiện sự may mắn trong tình yêu đôi lứa, rộn ràng theo từng bước chân các bạn Việt Nam. Đêm chia tay mọi người đều ca hát …ơi là cô gái Lào, anh đã nhìn thấy em cười tươi, anh đã nhìn thấy em cười rồi… múa một mình thì nó không đẹp, không đẹp, không đẹp, không đẹp, anh với em chung điệu lâm-vông…

Một buổi tối thật ý nghĩa. Thay mặt đoàn, đồng chí Nguyễn Quang Hiệp, Tổng Biên tập Báo Bình Dương đã có lời phát biểu cảm ơn chính quyền tỉnh Champasak, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành đã nhiệt tình tạo điều kiện thuận lợi để đoàn công tác tốt, hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi chia tay trong tình hữu nghị, đoàn kết và hẹn gặp lại trong một ngày không xa.

KIẾN GIANG

Bài 4: Thương hiệu Việt trên đất triệu voi



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét