Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Sau hơn 2 năm xây dựng nông thôn mới: Làm thay đổi diện mạo nông thôn


   Thay đổi cơ cấu mô
hình cây trồng sản xuất nhằm tăng thu nhập cho hộ gia đình nông dân. Trong ảnh:
Mô hình trồng cây cà chua với phương pháp thủy canh ứng dụng công nghệ cao của
ông Bảy Đẹp, xã Phú An, huyện Bến Cát
 Trao đổi với chúng
tôi, bà Nguyễn Minh Thủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(NN-PTNT), cho biết: "Nhờ nâng cao công tác tuyên truyền về NTM đã làm cho người
dân nhận thức một cách sâu sắc hơn về ý nghĩa của chương trình và vai trò của họ
trong quá trình thực hiện chương trình. Cùng với đó, Bình Dương cũng đã kiện
toàn Ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp tỉnh, huyện; Ban quản lý cấp xã và Ban phát
triển ấp để bảo đảm thực hiện tốt chương trình. Các nội dung xây dựng NTM đã được
đưa vào nghị quyết của Đảng bộ, chính quyền các cấp và được nhân dân đồng tình
hưởng ứng. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng ở nông thôn đã đạt được những kết quả khá khả
quan. Riêng tại 5 xã điểm sẽ hoàn thành chương trình xây dựng NTM vào năm 2013,
hiện có xã đã đạt 15/19 tiêu chí là Thanh An (Dầu Tiếng); 2 xã đạt 14/19 tiêu
chí là Bạch Đằng (Tân Uyên) và Tân Long (Phú Giáo); xã An Sơn (TX.Thuận An) đạt
12/19 tiêu chí; Chánh Phú Hòa (Bến Cát) đạt 11/19 tiêu chí".

Tại xã Thanh An (Dầu Tiếng), chỉ sau 2 năm thực hiện chương
trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn đã đổi khác, những ngôi nhà cao tầng mọc
lên ngày càng nhiều, ông Hoàng Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã Thanh An, cho biết:
"Năm 2012, xã đã tập trung vào đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn v�
văn phòng ấp với hơn 3 tỷ đồng, tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi và có
nơi sinh hoạt, hội họp. Ngoài ra, Thanh An đang tiếp tục thi công công trình
trường Tiểu học Tân Thanh đạt chuẩn quốc gia, dự kiến hoàn thành vào đầu năm
2013, góp phần hoàn thành các tiêu chí còn lại để Thanh An hoàn thành chương
trình xây dựng NTM theo đúng kế hoạch đã đề ra".

Ngoài 5 xã điểm nói trên, các xã trong tỉnh cũng đang tập
trung xây dựng NTM với quyết tâm cao. Xã Cây Trường (Bến Cát) tuy gặp nhiều khó
khăn, nhưng Đảng bộ xã vẫn quyết tâm cao và nhân dân trong xã đồng lòng xây dựng
NTM. Do vậy nơi đây đã xuất hiện nhiều tấm gương hiến đất và đóng góp ngày công
để mở đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương và giao thông nội đồng.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được nhựa hóa và bê tông hóa đạt chuẩn;
hệ thống thủy lợi và kênh mương đã được kiên cố, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất
và dân sinh… Ông Đỗ Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: "Nhiều hộ gia
đình đã hiến đất và quyên góp tiền để làm đường và xây cầu như đường Bà Tứ, cầu
Suối Cạn… góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn".

Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng NTM trong hơn 2 năm
qua của tỉnh đã bộc lộ những hạn chế cần khắc phục, như: Công tác tuyên truyền,
vận động còn nặng nề về hình thức, chưa thật sự bám sát quan điểm, nguyên tắc,
phương châm thực hiện chương trình; một số xã chỉ tập trung vào hình thức chưa
linh hoạt lồng ghép công tác tuyên truyền với các hoạt động, phong trào khác;
công tác tập huấn, hướng dẫn tổ chức chưa nhiều; tiến độ thực hiện công tác lập
quy hoạch và xây dựng đề án còn chậm so với kế hoạch đề ra…

Để khắc phục những hạn chế nói trên, bà Nguyễn Minh Thủy cho
biết: "Năm 2013, Sở NN-PTNT sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình
thức đa dạng, phong phú hơn, trong đó chú ý tuyên truyền đến các doanh nghiệp;
thực hiện nhiệm vụ quy hoạch của 30 xã còn lại; tăng cường công tác kiểm tra
giám sát, kịp thời báo cáo với UBND tỉnh các khó khăn vướng mắc của các địa
phương để từ đó kịp thời tham mưu, đề xuất hướng giải quyết nhằm giúp các xã
hoàn thành chương trình trong thời gian sớm nhất".

 PHƯƠNG AN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét