Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Võ Ngọc Phụng: “Sao sáng” làng mai Vĩnh Phú


 Chàng sinh viên nghèo
đam mê… mai

Quay về với những ngày cuộc sống còn khó khăn và bươn chải,
anh Phụng kể: "Lúc còn đi học tôi đã yêu vẻ đẹp của cây mai và nuôi ước mơ sẽ
trở thành một ông chủ của những vườn mai. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn
nên mình chưa bao giờ dám nghĩ đến việc thực hiện cái ước mơ ấy". Cũng chính vì
hoàn cảnh khó khăn ấy mà anh phải hàng ngày sáng đi học, chiều về đi phụ chú
mình chăm sóc vườn mai kiếm tiền để bước tiếp con đường học vấn và mong sau này
thoát khỏi cái nghèo. Phải chăng, cái công việc làm thêm hàng ngày ấy của anh
đã nuôi lớn tâm hồn anh. Anh nghỉ học khi đang là sinh viên năm cuối chuyên
ngành hóa hữu cơ. Anh bắt đầu một cuộc sống mới, với những đam mê và khao khát
về cái đẹp của hoa mai.

   Anh Phụng đang chăm
sóc vườn mai gia đình

Lúc đầu anh lặn lội theo người chú đi khắp nơi nhận dịch vụ
chăm sóc cây mai. Công việc chính lúc ấy của anh chỉ là tỉa cành và tưới nước
cho mai. Anh tâm sự: "Nghỉ học là mình đi theo chú chăm sóc cây mai mướn cho
các công ty hoặc những hộ gia đình. Lúc đầu tay nghề còn non nên chỉ cho làm những
việc phụ, sau này bằng niềm đam mê và ham học hỏi, mình đã đúc rút được rất nhiều
kinh nghiệm". Hồi tưởng lại một thời phải bươn chải với khó khăn, anh nói tiếp:
"Có ngày hai chú cháu phải sang tận Thủ Đức để chăm sóc vườn mai cho khách rồi
không kịp ăn cơm trưa là lại phải chạy sô đi nơi khác. Ngày đó, cứ thấy có nhiều
người mướn là vui lắm nên có khi bỏ cả ăn để đi làm, vừa mong kiếm tiền để phụ
giúp gia đình, cũng là làm để cho thỏa cái đam mê cháy bỏng về mai". Và rồi những
bài học kinh nghiệm đã đem lại cho anh một bước ngoặt mới, một tương lai mới, ý
nghĩa hơn.

Dệt ước mơ từ kinh nghiệm

Anh bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình bằng suy nghĩ:
"Gia đình khó khăn đủ điều, tiền ăn hàng ngày có khi còn không đủ nói chi là có
tiền để mua mai về chơi. Nhưng suy đi nghĩ lại, mình không thể cứ đi làm mướn
hoài vậy được". Anh quyết định gom hết số tiền mà mình có, rồi nhờ cha mẹ đứng
ra vay mượn thêm giùm. Cuối cùng cũng mua được 75 chậu mai, nhưng lại gặp lúc
kinh tế thị trường khủng hoảng, tưởng chừng như ước mơ của anh phải ngưng lại.
Nhưng, theo như lời anh là dù có khó khăn thế nào thì cũng quyết tâm, bởi những
chậu mai ấy là tất cả những gì mà gia đình anh có được. Anh mang tất cả những
kinh nghiệm để chăm sóc cho "đứa con" tinh thần của mình. Cuối cùng cái thời điểm
mà anh và gia đình mong đợi nhất cũng đã đến. Cuối năm đầu tiên anh trồng mai,
hoa mai được mùa nên những chậu mai của anh được khách hàng đặt mua với giá
cao. Niềm vui ấy như một liều thuốc khích lệ tinh thần anh. Anh quyết định đem
hết số tiền mà mình có được từ việc bán mai để mua mai mới về trồng. Anh cho biết:
"Chăm sóc mai rất khó, đặc biệt là mai ghép, mình phải biết cách tưới nước cũng
như tỉa cành đúng thời điểm mới mong mai nở đúng mùa". Với quan niệm "vô nữ bất
thành mai" nên anh cho rằng cây mai dù đẹp cỡ nào, chăm sóc tốt cỡ nào nhưng
mai không nở đúng ngày tết là không có giá trị gì hết.

Bằng đam mê và kinh nghiệm có sẵn, khó khăn ngày nào rồi
cũng qua đi, vừa làm vừa tích lũy, vừa phát triển, hiện tại anh đang sở hữu một
vườn mai 2.000m2 với trên 1.400 cây mai lớn nhỏ. Không chỉ mang lại nguồn thu
nhập lớn cho gia đình mà anh còn tạo việc làm cho một số anh em trong xóm. Những
người theo anh đều được anh hướng dẫn và truyền đạt kinh nghiệm. Chia sẻ với
chúng tôi, anh nói tiếp: "Những anh em làm công cho tôi bây giờ đều rất thành đạt,
có khi quy mô vườn mai của họ còn lớn hơn vườn tôi nhiều lần vì họ có điều kiện
kinh tế hơn mình". Với thu nhập hơn 200 triệu đồng một năm, con số đó không lớn
nhưng với anh đó là tất cả, là niềm vui, là nguồn kinh tế chính của gia đình v�
quan trọng hơn đó là đam mê cháy bỏng thưở nhỏ của anh đã thành hiện thực.

Bận rộn với hơn 1.400 gốc mai nhưng không vì thế mà anh quên
đi những khó khăn ngày đầu. Ngoài thời gian chăm sóc cho vườn mai của mình, anh
còn nhận chăm sóc mai cho những ai có nhu cầu với thu nhập hàng tháng từ 6 – 7
triệu đồng. Anh chia sẻ tiếp: "Khách hàng quen, họ tin tưởng vào tay nghề của
mình nên thường xuyên liên lạc nhờ giúp đỡ. Mình thì yêu nghề không nỡ từ chối
nên mỗi ngày thường tranh thủ đi làm thêm bên ngoài một phần cũng để thỏa đam
mê đồng thời cũng là kiếm thêm thu nhập".

Những lúc rảnh rỗi, với cây đàn guitar trong tay anh lại tự
thưởng cho mình những lời ca "rất ngọt" và cũng là để xua tan đi cái mệt mỏi
ngày thường mà thôi. Công việc chính của anh vẫn là mang lại sức sống và vẻ đẹp
mới cho cây mai để tô thắm cho đời. Anh chàng sinh viên "đứt gánh" ngày nào giờ
đã là một nghệ nhân chơi mai chuyên nghiệp vang tiếng khắp vùng.

YÊN ĐỊNH

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét