Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Miệng ta, ta cứ nói


Trong cuộc đời mỗi người, chúng ta thường phải tham gia các
cuộc họp. Là dân, chúng ta họp tổ dân phố, khu phố, xóm, ấp, nhiều lần họp phường,
xã, thị trấn và các tổ chức đoàn thể. Là cán bộ, chúng ta cũng họp phường, xã,
thị trấn, cao hơn là họp huyện, thị, thành phố, tỉnh và họp các cấp ở Trung
ương. Ở nông thôn, họp được xóm, ấp đã khó. Ở đô thị, họp được khu phố, khối
dân cư còn khó gấp nhiều lần.

Vậy mà, có một thói quen xảy ra, họp ở cấp nào cũng có, càng
ở cấp thấp mức độ càng tăng đó là "nói chuyện riêng". Nhiều cuộc họp lớn ở
Trung ương, ở tỉnh, được truyền hình trực tiếp, ta thường bắt gặp hình ảnh:
trên bục, người diễn thuyết đem hết nhiệt tình trình bày nội dung… để người
nghe quán triệt. Nhưng ở dưới, người thì ngủ gật, người ngáp, nơi này, nơi kia,
nhiều cái đầu chụm nhau, nói chuyện riêng, đôi khi lại còn chỉ chỏ làm cho câu
chuyện thêm mặn mà. Còn các cuộc họp ở xóm, ở khu phố, thôi thì cứ như ong vỡ tổ,
đủ loại chuyện ủ lại bấy lâu giờ như tức nước vỡ bờ. Thành thử: "ai nói cứ nói,
ai nghe cứ nghe, miệng ta, ta cứ nói, hết họp lại về". Kết quả, nội dung cuộc họp
đưa xuống cho dân biết, dân chỉ tiếp thu lõm bõm, nghe được phần này, mất phần
kia "tam sao thất bản". Một vài ý kiến thảo luận qua quýt, rồi nhất trí với kết
luận của chủ tọa. Ở Trung ương, ở tỉnh, huyện còn có văn bản để cán bộ cầm về,
tham khảo, mới tổ chức truyền đạt xuống, tuy không nắm vững tinh thần nội dung,
ít ra cũng còn đúng với văn bản. Xuống đến xóm, khu phố, dân họp để nghe, để biết
mà thực hiện, nhưng nghe thì ít, nói chuyện thì nhiều, làm sao tiếp cận để hiểu
và thông suốt chủ trương đường lối, chính sách, của Đảng và pháp luật Nhà nước?
Không thông thì không làm, hoặc làm sai. Tình trạng khiếu nại, tố cáo xảy ra ở
các cấp, gây thiệt hại nhiều về kinh tế và an ninh xã hội.

Mọi việc lớn nhỏ của nước, dân ở đơn vị xóm, khu phố là người
trực tiếp thực hiện. Trước khi dân thực hiện, cán bộ hãy tập cho dân và tự tập
cho mình cách ứng xử trong hội nghị, thói quen tôn trọng, không làm ảnh hưởng
người khác đang dự họp bằng nét văn hóa là im lặng, cùng nghe, cùng bàn. Đừng lặp
lại kiểu "miệng ta, ta cứ nói".

PHÚC LÊ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét