Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Của cho không bằng cách cho...


Cho và nhận là một việc không hề đơn
thuần. Nó bao hàm nét văn hóa, sự chân thành và tế nhị của người cho, người
nhận. Cho làm sao mà người nhận không hề cảm thấy mình đang được thương hại l�
cả một nghệ thuật.

Điều này thể hiện ở… cách cho! Có
lẽ ai cũng biết câu ông bà ta dạy: "Của cho không bằng cách cho". Người nhận sẽ
vui biết bao khi nhận được thứ mình cần, khi cảm thấy mình rất được tôn trọng,
mình đang được chia sẻ niềm vui, hạnh phúc với người sung túc, đủ đầy hơn mình.

Ngày càng có nhiều đoàn và nhiều
người làm từ thiện. Điều này thật đáng quý với tinh thần "lá lành đùm lá rách"
của dân tộc ta. Cuộc sống nhiều người khá giả hơn và họ biết cho đi những điều
mình may mắn hơn những người khác.       

Có lần, cùng theo một đoàn làm từ
thiện về 2 xã của Phú Giáo và Tân Uyên, tôi ghi nhận được câu chuyện của một cô
học trò nghèo. Em học lớp 6, đi nhận quà cho gia đình khó khăn giúp mẹ. Quà có
chục ký gạo, mì gói, đường… và ít tiền. Nhận xong, em kể: "Cô à, năm ngoái
con cũng đi nhận gạo kiểu này nhưng về… ăn không được. Gạo bị mốc và lẫn
nhiều cát sạn. Những thứ như mì gói, đường… thì cần lắm vì nhà con phải mua.
Gạo thì, nhà con nghèo nhưng còn ít đất làm lúa. Với lại, mẹ thường đi làm thuê
cho bà con và nhiều người cũng cho gạo ăn". Em còn lém lỉnh cười: "Mà gạo quê
con ngon lắm cô". Đúng rồi, điều này thì tôi ghi nhận. Có lần đi công tác ở quê
của em học trò này, được ăn cơm của một "gương điển hình nông dân sản xuất
giỏi", gạo làm từ ruộng lúa cạnh bên nhà. Hạt cơm ngon, dẻo, thơm không chê vào
đâu được. Cũng không trách những người có lòng từ tâm. Có thể, gạo họ chuẩn bị
đã lâu mới có dịp cho. Có thể, người chịu trách nhiệm đi mua gạo để… vô bao
không cẩn thận nên  đại lý "qua mặt" đong
gạo dở… Tất nhiên, chúng ta không thể và không nên "chê" tấm lòng từ thiện
của các Mạnh Thường Quân nhưng cách cho nên cẩn thận hơn một chút. Ví dụ như về
những vùng còn trồng lúa ngon như thế, khỏi tặng gạo cho… nhà nghèo mà tặng
những thứ thiết thực hơn. Bởi, bà con ở địa phương với sự đùm bọc, san sẻ nhau
vẫn có thể không để nhà nào thiếu gạo.

Viết chuyện này nhớ đến những đoàn
từ thiện tặng xe đạp cho trẻ em nghèo đến trường gần đây. Vào năm học mới,
nhiều em vui mừng hớn hở khi có chiếc xe đạp đàng hoàng để đến trường chứ không
phải đi xe một đoạn tuột xích, một đoạn lại… xẹp lốp! Có nhiều đoàn rất cẩn
thận trong cách cho. Họ đề nghị cán bộ địa phương khảo sát thật kỹ. Có bao
nhiêu em khó khăn, đang cần xe đạp, trong đó có mấy nam, mấy nữ để mua xe dàn
ngang hay dàn thấp cho phù hợp với từng em. Cẩn thận hơn, có đoàn còn đem theo
hộp đồ nghề. Sau khi nhận xe, những em thấp nhỏ được các chú trong đoàn từ
thiện "đo ni" lại hai chân, hạ yên xe xuống để ngồi cho vừa, không phải vừa
đạp, vừa với chân mới tới bàn đạp…

Tặng quà, tặng cả tấm lòng như thế
càng ý nghĩa biết bao!

HƯƠNG
CẦN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét