Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Tăng giá dịch vụ y tế phải song hành với tăng chất lượng khám chữa bệnh


Một thông tin trên
báo Bình Dương ra sáng 25-9 đã làm không ít bạn đọc chú ý, đặc biệt là những
người có bệnh. Đó là, tại buổi họp báo ngày 24-9, đại diện HĐND tỉnh cho biết,
một trong những nội dung được thông qua tại kỳ họp bất thường sẽ diễn ra vào cuối
tuần này, HĐND tỉnh sẽ thông qua mức giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) mới đối với
cơ sở KCB của Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Dự kiến mức giá KCB của tỉnh chỉ ở mức
70,89% so với Thông tư 04, thông tư Liên tịch Bộ Y tế và Bộ Tài chính.

Theo tinh thần thông tư đã được ban hành v�
có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-2012 thì mức tối đa khung giá 447 dịch vụ KCB
trong các cơ sở KCB của Nhà nước. Việc ban hành mức giá cụ thể cho từng dịch vụ
đối với mỗi loại cơ sở KCB thực hiện theo quy định hiện hành. Thực tế, những
tháng qua, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã thực hiện điều chỉnh giá các dịch
vụ KCB tùy theo tình hình của từng địa phương theo mức tăng theo tỷ lệ mức tối
đa cho phép của thông tư. Bình Dương là một trong số tỉnh, thành còn lại chưa
thực hiện tăng giá các loại dịch vụ KCB. Dù có được thông qua trong kỳ họp HĐND
tới hay không nhưng qua đây cho thấy sự cẩn trọng và quan tâm đặc biệt của các
nhà lãnh đạo tỉnh đến một vấn đề rất nhạy cảm có quan hệ thiết thân, ảnh hưởng
trực tiếp đến bệnh nhân. Việc cẩn trọng còn là làm thế nào để người bệnh được chăm
sóc, chữa bệnh được tốt đi kèm với các dịch vụ tốt? Vấn đề còn lại là thực hiện
lần điều chỉnh này cùng với việc tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng
KCB sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế.

Điều nhiều người dân quan tâm là từ việc
tăng giá dịch vụ y tế có song hành với nâng chất lượng KCB? Thực tế, tại một số
bệnh viện, cơ sở y tế công, chất lượng các dịch vụ, trang thiết bị phục vụ KCB
còn thiếu và yếu. Chuyện một giường cá nhân nhưng có đến 2, thậm chí 3 bệnh
nhân cùng nằm vẫn còn rất phổ biến. Có khoa phòng, bệnh nhân nằm trên ghế bố, nằm
tràn ra cả ngoài hành lang bệnh viện. Chất lượng chuyên môn của đội ngũ y bác
sĩ tại một số bệnh viện công cũng cần quan tâm. Sai sót chuyên môn, vô cảm,… dẫn
đến chết người vẫn còn xuất hiện nhiều. Điều nhiều người bệnh "ngại" nhất khi đến
các bệnh viện công là thái độ, cách ứng xử của một số y, bác sĩ, điều dưỡng. Với
phương châm "lương y như từ mẫu" nhưng không ít những người này lại xem bệnh
nhân và cả người nhà bệnh nhân như "con" nên có thể quát mắng, nạt nộ họ bất cứ
lúc nào…

Để chấn chỉnh vấn đề này và để thực hiện
thông tư có hiệu quả, Bộ Y tế vừa có chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các
giải pháp nâng cao chất lượng KCB sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Theo đó,
bộ đã yêu cầu cán bộ, viên chức tại bệnh viện các tuyến phải nâng cao tinh thần,
thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt các quy định về y đức. Các bệnh viện
phải công khai giá dịch vụ y tế, kịp thời giải đáp cho người dân khi có thắc mắc.

Ngoài ra, các cơ sở KCB phải cải tiến quy trình
KCB, thủ tục vào ra viện, chuyển viện, BHYT…, giảm tối đa thời gian chờ của người
bệnh. Các bệnh viện phải bảo đảm chi tối thiểu 15% số tiền thu khám bệnh, giường
bệnh theo giá mới để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp thiết bị và các điều kiện phục
vụ người bệnh.

Một vấn đề mang tính nhân bản khác là làm thế
nào để bệnh nhân là người nghèo, cận nghèo và cả những người bị bệnh hiểm nghèo
gặp khó không bị ảnh hưởng khi được KCB là điều cần được quan tâm, khi việc thực
hiện bảo hiểm y tế toàn dân trong tình hình hiện nay chưa đạt 100%. Tóm lại,
qua việc điều chỉnh các dịch vụ y tế lần này, làm thế nào để tăng giá dịch vụ
phải đi kèm với tăng chất lượng KCB? Đó là vấn đề người dân quan tâm nhất.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét