Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Tạo thêm được nhiều kênh phân phối hàng Việt bền vững


Qua 3 năm thực hiện, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên
dùng hàng Việt Nam" bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, tạo thành phong
trào hành động của các địa phương, đơn vị và thu hút sự tham gia đông đảo, hưởng
ứng tích cực trong các tầng lớp nhân dân. Cuộc vận động đã góp phần quảng bá, đưa
sản phẩm hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng (NTD), từ đó hạn chế tâm lý tiêu
dùng hàng ngoại… thể hiện ý chí tự lực, tự cường và lòng yêu nước của NTD Việt
Nam… Đó là đánh giá của ông Vũ Minh Sang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khi
nói về cuộc vận động này.

Nhiều kênh tiêu thụ hàng Việt

Từ năm 2010 đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở
ngành, thành viên Ban chỉ đạo (BCĐ) cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng
hàng Việt Nam" tổ chức được 14 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn và khu công
nghiệp. Bình quân mỗi phiên chợ có 30 doanh nghiệp (DN) tham gia với gần 50
gian hàng, thu hút khoảng 60.000 lượt khách tham quan mua sắm và đạt doanh thu
bán hàng khoảng 6 tỷ đồng. Ngoài việc bán hàng với giá ưu đãi phục vụ NTD nông
thôn và công nhân, Ban tổ chức còn vận động các DN tặng quà cho các hộ nghèo v�
học sinh nghèo vượt khó tại các địa phương. Ngoài các phiên chợ đưa hàng Việt về
nông thôn, ngành chức năng còn quan tâm thực hiện chương trình bình ổn giá một
số mặt hàng thiết yếu, với 8 DN tham gia bình ổn các mặt hàng lương thực, thực
phẩm và xăng dầu, với 82 điểm phục vụ trong toàn tỉnh.  

Nhộn nhịp cảnh mua sắm tại một gian hàng tham gia phiên chợ
vui vừa diễn ra tại thị trấn Phước Vĩnh, Phú Giáo

Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ các DN vượt
qua giai đoạn kinh tế khó khăn, đẩy mạnh các kênh tiêu thụ hàng Việt cả trong nước
cũng như xuất khẩu, các ngành chức năng cũng quan tâm hỗ trợ DN tham gia các chương
trình hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Qua các hội chợ này, các DN đã có
thêm kênh phân phối, một số DN ngoài tỉnh đã ký được hợp đồng tiêu thụ tại Bình
Dương, như: muối Bạc Liêu, trái cây sấy Thuận Hương, cà phê Nam Phong, thực phẩm
lạp xưởng Chenlin… Ngược lại, các DN trong tỉnh cũng đã ký kết được nhiều hợp
đồng cung cấp hàng hóa, sản phẩm cho đối tác các tỉnh bạn. Chỉ tính riêng tại hội
chợ Life Style-Vifa, Công ty TNHH Thiên Thanh, Công ty Quang Minh, gốm La
Thành, Lam Hiệp Hưng, Tiến Triển… đã ký được hợp đồng với tổng giá trị hơn
300.000 USD. Bên cạnh đó, các ngành chức năng còn hỗ trợ cho DN tham gia các hội
chợ nước ngoài. Năm 2011, Bình Dương đã hỗ trợ 20 DN tham gia các hội chợ triển
lãm quốc tế như Hội chợ đồ gỗ quốc tế tại Singapore, Hội chợ Ambient tại Cộng
hòa liên bang Đức, Hội chợ Magie Show tại Hoa Kỳ… Qua đó, các DN đã ký được
nhiều hợp đồng với tổng trị giá 810.000 USD…

Vẫn còn nhiều khó khăn

Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động, kết quả nhìn thấy ngoài
việc tạo ra các kênh phân phối, xúc tiến thương mại cho các DN; tỷ lệ NTD Việt
Nam sử dụng hàng Việt Nam cũng đã tăng từ 20% lên hơn 60%. Tuy nhiên, trong quá
trình thực hiện cuộc vận động này, các đơn vị thực hiện chương trình vẫn còn gặp
nhiều khó khăn. Ông Đoàn Văn Tràng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển
nông thôn, cho rằng: "Yêu cầu, cũng như thị hiếu của NTD ngày càng cao, các DN
phải nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của NTD,
chứ không thể cứ mãi dựa vào ngành chức năng để kêu gọi NTD sử dụng hàng Việt,
nhưng chất lượng lại không được nâng lên". Cùng quan điểm này, ông Đỗ Ngọc Huy,
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương, nói: "Tâm lý sính ngoại trong thanh niên vẫn
còn là có lý do. Một số mặt hàng Việt giá cả còn cao, nhưng thiếu tính cạnh
tranh. Mặc dù sản phẩm đạt các giải thưởng lớn, nhưng "hữu danh vô thực", làm mất
lòng tin NTD. Ngoài ra, các sản phẩm có tên nửa tây, nửa ta làm NTD khó phân biệt,
nhận dạng".

Ở góc độ tuyên truyền thực hiện cuộc vận động, bà Nguyễn Thị
Phượng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Bình Dương, cho biết còn gặp khá nhiều
khó khăn: "Ngành chức năng tuy có chuyển giao tài liệu nhưng chưa đề cập nhiều
về hàng Việt chất lượng cao, cũng như hàng gian hàng giả, để hướng dẫn NTD một
cách rộng rãi. Chương trình cũng chưa có cơ chế hỗ trợ cho công tác tuyên truyền".
Còn Phó Chi cục Quản lý thị trường Nguyễn Thành Danh thì bức xúc khi nói về
hàng gian, hàng giả: "Chống hàng giả là một nội dung quan trọng để nâng cao uy
tín, chất lượng hàng Việt, nhưng để xử lý hàng giả về sở hữu công nghiệp là rất
khó! Đối với hàng gian, hàng giả phát hiện có, bắt giữ cũng có, nhưng xử lý thì
chưa đến nơi đến chốn vì vướng cơ chế. Đơn cử có trường hợp vi phạm với quy mô
lớn, nghiêm trọng cần khởi tố thì lại vướng khái niệm "quy mô thương mại" theo Điều
171 Bộ luật Hình sự chưa được hướng dẫn thi hành, nên không thể khởi tố. Ngay tại
một vài hội chợ, có khi quản lý thị trường phát hiện hàng hóa không rõ nguồn gốc
giả mạo hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng quá hạn, nhưng khi tiến hành lập
biên bản xử lý thì chủ hàng biến mất, hỏi Ban tổ chức hội chợ cũng không biết họ
là ai, ở đâu! Có trường hợp chúng tôi phải truy đến các tỉnh chỉ để xử phạt một
vài triệu, trong khi kinh phí đi lại gấp đôi số tiền nộp phạt!".

Giải pháp để "nâng chất" cuộc vận động

Ông Phạm Văn Cành, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bình Dương, Trưởng
ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", cho biết
kết quả của cuộc vận động là rất khả quan, từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm
của DN đối với NTD và tạo điều kiện cho các DN mở rộng thị trường tiêu thụ, góp
phần thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước. Các phiên chợ vui, chương trình
bình ổn giá đã tạo điều kiện cho NTD ở nông thôn và công nhân có điều kiện sử dụng
hàng Việt Nam
chất lượng cao, giá rẻ. Tuy nhiên, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp đối
với chương trình là chưa thường xuyên, công tác tuyên truyền của các đoàn thể
chưa thật chất lượng, số lượng DN trong tỉnh tham gia chương trình còn ít, công
tác kiểm tra, kiểm soát thị trường còn bất cập…

Do vậy, giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả của cuộc
vận động là phải đẩy mạnh tuyên truyền và công tác quản lý Nhà nước. Bà Trần Thị
Sơn, Phó ban Thường trực BCĐ cuộc vận động, cho biết BCĐ cấp tỉnh đang kiến nghị
thành lập BCĐ cấp cơ sở, để có thêm "lực" tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, để cuộc
vận động này thực sự đi vào cuộc sống.

BẢO ANH



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét