Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu một vòng quay mới

Đặc biệt, những diễn biến trong tuần qua cho thấy, những toan tính, dự định của nhiều nước đang dần bộc lộ và một hệ quả tất yếu là, dường như, châu Á – Thái Bình Dương đang bắt đầu bước vào một guồng quay mới.

Sự thay đổi đầu tiên là việc Mỹ bắt đầu tăng cường triển khai quân sự tại Đông Bắc Á và kèm theo những cam kết rõ ràng về trách nhiệm với đồng minh Hàn Quốc cũng như Nhật Bản. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên (trong nhiệm kì hai) tới Trung Đông của Tổng thống B.Ô-ba-ma hay của Ngoại trưởng J.Kê-ry đã làm nảy sinh những nghi ngại rằng nước Mỹ không thể thực hiện cam kết "xoay trục châu Á" trong bối cảnh phải cắt giảm chi tiêu, trước hết trong lĩnh vực quốc phòng.

Đúng là trong hai tháng đầu năm 2013, một loạt những khó khăn nội tại như khắc phục vách đá tài chính hay cắt giảm ngân sách công có thể đã khiến cho những tranh chấp chủ quyền tại Đông Á, đặc biệt là tranh chấp giữa hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, chưa đủ sức thuyết phục các nhà lãnh đạo Mỹ có những hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa chính sách "xoay trục". Tình trạng "báo động khẩn cấp" trên bán đảo Triều Tiên vừa bắt buộc Mỹ phải có "nghi lễ" đáp trả nhưng cũng tạo cơ hội để Tổng thống Ô-ba-ma triển khai cam kết "tăng cường can dự" mà ít phải giải thích với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là người Mỹ đang lựa chọn các biện pháp "cứng" để khẳng định vai trò trong khu vực.

Tại bán đảo Triều Tiên, trong thời điểm mà chính ngoại trưởng J. Kê-ry nhận định: "Không cho phép sai lầm đáng tiếc từ bất cứ một bên nào, bởi điều đó có thể dẫn đến chiến tranh", việc Mỹ tiếp tục các cuộc tập trận với Hàn Quốc hay tăng cường hiện diện quân sự (điều pháo đài bay B52, máy bay tàng hình B2 hay Tiểu đoàn Chống phóng xạ 23 đến Hàn Quốc) cùng với những tuyên bố cứng rắn "sẵn sàng đáp trả"… chẳng khác gì là "đổ thêm dầu vào lửa". Trong lúc rất cần Trung Quốc hợp tác để giải quyết các tranh chấp trên biển hay gây sức ép với chính phủ Triều Tiên, chính phủ Mỹ lại thi hành những biện pháp có tính "trừng phạt" thương mại nước này (ngày 26/3/2013 Tổng thống Ô-ba-ma quyết định thông qua đạo luật hạn chế nhập hàng công nghệ từ Trung Quốc; ngày 8/4/2013 Chính phủ Mỹ lại tiếp tục cấm nhập hơn 70.000 mô-tô và xe địa hình ATV do Trung Quốc sản xuất). Phải chăng, việc triển khai chính sách "xoay trục" của người Mỹ đang bắt đầu một cuộc đối đầu mới tại khu vực?

Sự thay đổi thứ hai đến từ Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2013 tại Hải Nam, Trung Quốc, khai mạc hôm 7/4. Kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động chính thức tháng 2/2001, năm nay là lần đầu tiên vấn đề tranh chấp biển (Hoa Đông và Biển Đông) được Trung Quốc đưa ra bàn thảo tại diễn đàn. Điều ngạc nhiên ở đây là trong quá trình thảo luận đã không có sự tham dự của những phái đoàn có liên quan tới tranh chấp như Nhật Bản, Việt Nam, Phi-líp-pin và Ma-lai-xi-a.

Kể từ năm ngoái, nhân dịp kỉ niệm 10 năm ASEAN – Trung Quốc thông qua Tuyên bố chung về cách ứng xử tại Biển Đông (DOC), hai bên đã khẳng định sẽ đẩy mạnh đàm phán để tiến tới thông qua Bộ luật ứng xử về Biển Đông (COC). Khi mà tiến trình đàm phán vẫn chưa có một bước tiến cụ thể nào thì cách ứng xử của Trung Quốc tại Diễn đàn Bác Ngao không khỏi khiến một số người cho rằng đây là một cách thức mới giải quyết các tranh chấp biển, đảo – không cần thiết phải có sự tham gia của tất cả các bên tranh chấp vì chỉ cần một bên với một cộng đồng không liên quan là đủ?

Điều này chắc chắn sẽ khó có thể xảy ra vì tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM, diễn ra ngày 10 đến 11/4 tại Bru-nây), thay mặt nước chủ nhà và là Chủ tịch luân phiên ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Bru-nây M.Bô-khi-át khẳng định Biển Đông tiếp tục là một trọng tâm của ASEAN trong năm 2013, trong đó hoàn tất COC là mục tiêu hàng đầu của nước Chủ tịch ASEAN.

Ngày 10/4/2013, tại Đài Bắc, Chính phủ Nhật Bản và Đài Loan đã kí một thỏa thuận về đánh bắt cá chung tại vùng biển đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Tuy chỉ là một hiệp định kinh tế thuần túy (các tàu cá Đài Loan được phép hoạt động tại vùng biển gần quần đảo này) nhưng nó có thể kéo theo những thay đổi có tính lịch sử. Thỏa thuận đánh bắt cá Nhật Bản – Đài Loan tuy không đề cập đến vấn đề chủ quyền nhưng chắc chắn nó không chỉ sẽ đụng chạm tới câu chuyện tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan mà còn khiến cho vấn đề "công nhận Đài Loan" lại sống dậy. Sức lan tỏa của cuộc tranh chấp lãnh thổ thật đáng sợ bởi nó có thể khiến cho quan hệ Trung – Nhật bước vào một giai đoạn căng thẳng mới.

Việc Hội nghị Ngoại trưởng G8 (diễn ra ngày 11, 12/4/2013 tại Luân-đôn) ra tuyên cáo chung lên án chính sách của Chính phủ Triều Tiên được coi như một lẽ đương nhiên vì có liên quan trực tiếp tới ít nhất hai thành viên của G8 là Mỹ và Nhật Bản. Điều đáng quan tâm chính là phát biểu của Ngoại trưởng Nga S.La-vrốp: “Về vấn đề Triều Tiên, chúng tôi không có sự bất đồng nào với Mỹ và Nhật Bản. Một quốc gia không nên đe dọa bất kì quốc gia nào khác bằng việc huy động sức mạnh quân sự và hiện vẫn còn cơ hội để làm dịu tình hình". Ngay sau chuyến công du tới Mát-xcơ-va của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như kết quả của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 của nhóm BRICS (tại Đu-ban, Nam Phi ngày 26, 27/3/2013) đã có rất nhiều ý kiến về một sự gắn kết mới giữa Trung Quốc và Nga. Chính vì thế, tuyên bố của Ngoại trưởng Nga tại Hội nghị Ngoại trưởng G8 cho thấy, có thể một trò chơi "cân bằng lợi ích" mới lại bắt đầu giữa các cường quốc tại châu Á – Thái Bình Dương.

Với nhiều người, tất cả những gì vừa được nêu ở trên hoàn toàn là bình thường, chẳng có gì mới lạ. Bởi tính phức tạp và sống động của đời sống quốc tế đương đại đương nhiên sẽ khiến các quốc gia có cách hành xử như vậy. Nhưng nếu đúng như những suy nghĩ của người viết, thì rõ ràng guồng quay mới của châu Á – Thái Bình Dương đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đe dọa đến hòa bình và thịnh vượng của khu vực

TS ĐỖ SƠN HẢI

Article source: http://tv.vtc.vn/594-373470/truyen-hinh/xem-quai-vat-laser-cua-hai-quan-my-khoe-suc-manh.htm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét