Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Bình Dương: Nông dân sống loay hoay giữa đô thị

Nông dân tập làm người thành thị

Giữa cái nóng hầm hập, ông Võ Văn Thua ngồi trước hiên nhà dõi mắt nhìn về bãi đất trống mọc đầy cỏ cháy, thỉnh thoảng lại lắc đầu tiếc rẻ: "Lúc trước ở đó trồng bầu bí, dưa mướp và sắn củ, tiếng máy nổ phun tưới râm ran suốt ngày đêm, giờ trống vắng quá".

Miếng đất trống này được quy hoạch làm trung tâm thương mại nhưng bao năm nay người dân thấp thỏm chờ mà chẳng thấy, chỉ thấy một dãy ống cống bê tông bể vỡ, nham nhở nằm ngổn ngang. Hồi đó ông Thua có 3ha đất nông nghiệp, sau giải tỏa được cấp lại 3 nền khoảng 900m2 nhưng ông chọn con đường tiếp tục làm nông dân, sang nhượng lại cho chủ đầu tư 2 nền đất để mua sở cao su (rẫy) trên Bình Phước.

 

 

Còn ông Hà Văn Khu lại cho biết, ở đây nếu ai không kịp mua rẫy cao su thì chẳng biết làm gì để sống. Nhiều nông dân sau khi giải tỏa lãnh nền, gặp lúc sốt đất giá được thổi lên cao đã lập tức bán đi rồi tập tành kinh doanh đất, xây phòng trọ cho thuê.

"Như ông Phạm Văn P. xây dãy nhà trọ nhưng không có công nhân đến ở, giờ dãy nhà nằm chầm dầm ra đó, cửa nẻo hư hết, chỉ có chuột đến sống mà thôi" – ông Thua kể. Những người như ông Thua sợ nhất là lúc trái gió trở trời. Vắng người ở, đất trống nhiều nên gió rít âm thanh nghe rợn người.

Rõ ràng, nông dân ở đây chưa hề được được chuẩn bị để trở thành người đô thị mà thực chất, họ bị cưỡng bức thành người đô thị. Thế nên, người nông dân trở nên cô đơn, lạc lõng giữa cuộc sống đô thị và giờ đây, họ thèm những ký ức thuở xưa. Nông dân Võ Văn Một tâm sự: "Mang danh là người đô thị nhưng chúng tôi ở rất xa nhau.

Hàng xóm láng giềng giờ tản mát đi đâu hết, nhiều gia đình lên vùng đất mới Bình Phước, Đăk Nông trở thành người xa xứ, cuộc sống không còn vui như trước nữa". Anh Một đã không chọn làm người đô thị khi mua một sở cao su ở Bình Phước và trở thành gia đình hiếm hoi giữa lòng đô thị có cuộc sống khá giả nhờ thu hoạch mủ cao su.

Chệch hướng!

"Không còn tồn tại" là cách nói của ông Thua khi nói về những nông dân đã không lường định được cuộc sống của mình sau giải tỏa. Ông Sáu Rẻo (em rể của ông Thua) là người nông dân học cách làm người đô thị đầu tiên khi bán liền hai lô đất nhận đền bù để mua một chiếc xe lu và một chiếc xe cần cuốc (xúc đất), tưởng rằng có thể kiếm được tiền từ hai "cỗ máy" này. Nhưng rồi bất động sản đóng băng kéo dài làm hai chiếc xe của ông Sáu Rẻo trở thành hai đống sắt vụn.

 

 

Hay như trường hợp của cặp vợ chồng người hàng xóm của chị Thúy, nhận nền đất đền bù rồi đem bán hết. Từ một nông dân chân lấm tay bùn, đùng một cái có ngay cục tiền nên sinh tật hư, "ăn hôm nay mà không biết đến ngày mai". Được một thời gian thì trắng tay, giờ ông chồng phải làm thợ hồ còn người vợ thì đi quét rác, tối về ngủ vật vờ bên dãy nhà hoang.

Nhiều gia đình trước giờ khó khăn, khi cầm được cục tiền đền bù đã không biết tính sao, con cái đứa thì đòi mua xe này, đứa đòi đổi xe khác, chưa kịp mua làm ăn thì tiền đã cạn. Có gia đình nhận nền đất rồi bán bớt cũng không đủ tiền xây nhà vì vướng quy hoạch, muốn xây phải đổ bê tông ít nhất một tấm cho giống người đô thị, mua sở cao su thì không đủ tiền bèn đem tiền đi gửi ngân hàng lấy lãi ngồi không ăn dần.

Do không có việc gì để làm nên cuối cùng tiền ăn lâu cũng hết. Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, ở ấp 3, xã Thới Hòa, huyện Bến Cát kể, do đất nền được mua đi, bán lại, có người xây nhà nhưng không ở, để đó thành ra cuộc sống xa lạ. Người dân cảm thấy cô đơn, kêu cứu trong tuyệt vọng mỗi khi xảy ra việc.

Lặng nhìn các dãy biệt thự sang trọng không người ở khu đô thị Mỹ Phước 3 lúc hoàng hôn buông dần, chúng tôi chợt nhận ra nỗi cô đơn đến cùng cực của người nông dân – thành thị ở đây. Người dân chưa thích ứng, hòa nhập với cuộc sống hiện đại do không xóa được khoảng cách khi chuyển từ làm nông sang dịch vụ, công nghiệp.

Article source: http://www.tienphong.vn/dia-oc/627293/Vincom-Village-gianh-giai-thuong-chau-A---Thai-Binh-Duong-tpoq.html



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét